Thứ Hai, 31/03/2025 20:21:40 GMT+7
Lượt xem: 204

Tin đăng lúc 27-03-2025

“Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt”

Đây là chủ đề hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức, vừa diễn ra vào chiều ngày 26/3/2025 tại Quảng Ninh.
“Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt”
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài.

 

Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

 

Tham luận tại hội thảo tập trung làm rõ tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô và đường sắt; góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

 

 

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá, ngành CNHT của nước ta đã có những bước phát triển tích cực, song còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu về cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Một số ngành có tỉ lệ nội địa hóa cao như sản xuất xe máy, có loại tới 60-70%, thậm chí 90%, song nhìn chung tỉ lệ nội địa hóa nhiều sản phẩm còn thấp, phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu và linh kiện nhập khẩu, trong đó ngành dệt may nhập 70-80%, ngành ô tô đạt tỉ lệ nội địa hóa khoảng 7-10%, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu 60% đặt ra từ năm 2010. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước chiếm tới 2/3 số cơ sở sản xuất, sử dụng 60% lực lượng lao động, song chỉ chiếm chưa đầy 10% vốn đầu tư.

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong những năm tới, lĩnh vực CNHT có nhiều cơ hội để đi tắt, đón đầu, phát triển đột phá khi có nhiều quyết sách lớn như Nghị quyết 29 năm 2022 của Trung ương, Nghị quyết 23 năm 2018 cùng với Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị, sắp tới là Đề án phát triển kinh tế tư nhân.

 

Theo Phó Thủ tướng, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

 

Quy hoạch cấp quốc gia đã định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, với nhiều lợi thế về không gian kinh tế, kết nối, phát triển mọi loại hình giao thông, tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp, sản xuất ô tô, CNHT, dịch vụ thương mại và logistics.

 

Quy hoạch đồng bằng sông Hồng được định hướng phát triển theo vùng động lực và cực tăng trưởng, tập trung phát triển công nghiệp điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, CNHT. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh cũng có 6/8 cụm công nghiệp đã thành lập và 12/28 cụm công nghiệp được quy hoạch thành lập gắn với lĩnh vực cơ khí.

 

Để phát triển mạnh mẽ và bền vững ngành CNHT, đặc biệt là cơ khí, cần phải có những đột phá về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia phát triển CNHT; có các giải pháp mới về ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng, thu hút đầu tư vào phát triển CNHT; đồng thời, cần phải có chính sách vượt trội để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong chuỗi sản xuất, cung ứng - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Cùng với đó, cần nâng cao năng lực mọi mặt của doanh nghiệp CNHT, hướng đến xây dựng các doanh nghiệp mạnh của dân tộc; tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia các dự án trọng điểm quốc gia; hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp và chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh, từ đó phát triển ngành CNHT.

 

Quy hoạch nguồn nhân lực và xây dựng các chương trình đào tạo phải đón đầu và bắt kịp các xu thế phát triển, gắn chặt với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong "kỷ nguyên mới"; khuyến khích các mô hình hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực gắn với CNHT.

 

Các chương trình, dự án về CNHT phải có sản phẩm cụ thể và phải có tính lan toả tích cực; cần tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025 để quá trình phát triển CNHT giai đoạn tiếp theo có tính khả thi, hiệu quả cao, có trọng tâm, trọng điểm.

 

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tích cực tham mưu về chính sách, lĩnh vực, sản phẩm, đối tác cụ thể để Việt Nam có thể tranh thủ thúc đẩy hợp tác phát triển CNHT, để đưa vào các khuôn khổ, cơ chế, thoả thuận hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế.

 

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc triển khai mạnh mẽ "ngoại giao công nghệ", "ngoại giao tập đoàn" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ cao, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành địa phương đã chỉ đạo xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành CNHT, công nghiệp ô tô và công nghiệp đường sắt trong nước và đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư vào công nghệ CNC, tự động hóa, robot, in 3D và trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đặc biệt, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Thành Công, Thaco, Vingroup... đã phát triển mạnh mẽ, trở thành những “đầu tàu” dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô, góp phần đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước; đồng thời, tiến sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành CNHT nói chung, CNHT ngành cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, đường sắt của nước ta nói riêng còn nhiều hạn chế so với một số nước trong khu vực và thế giới, cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước; tỷ lệ nội địa hoá trong công nghiệp ô tô và đường sắt còn thấp; chủ yếu vẫn là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện.

 

Công nghiệp đường sắt chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa phục vụ cho đường sắt hiện hữu với công nghệ cũ; hầu hết các thiết bị, đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển các dự án đường sắt mới, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo quy hoạch mạng lưới đường sắt trong tương lai.

 

Bộ trưởng cho rằng, với vị trí chiến lược và hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp khá đồng bộ và hiện đại, với nguồn tài nguyên và lao động dồi dào, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tỉnh Quảng Ninh có nhiều lợi thế trong phát triển các ngành CNHT, nhất là trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo gắn với sản xuất, lắp ráp ô tô và phát triển công nghiệp đường sắt.

 

Tuy nhiên, Quảng Ninh cần khắc phục một số hạn chế, yếu kém như thiếu các dự án có hàm lượng công nghệ cao; thiếu các doanh nghiệp dẫn đầu có tầm cỡ khu vực và quốc tế để tạo hệ sinh thái phát triển bền vững cho CNHT... để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của CNHT trên địa bàn.

 

Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút thêm nhiều dự án FDI khi có nhiều khách hàng nước ngoài sang Việt Nam để tìm nhà cung cấp mới. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp CNHT nói chung và doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nói riêng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Minh Vũ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang