Những căn cứ để Việt Nam phát triển CNHT điện tử
Từ thực tiễn phát triển ở các nước cho thấy, không có quốc gia nào công nghiệp hóa thành công mà không phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) điện tử mạnh và cũng không có nước nào phát triển được ngành CN vi mạch bán dẫn mạnh mà không sở hữu ngành CNĐT mạnh. Theo các chuyên gia, CNHT ở Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ trên 80% giá trị của ngành CNĐT, bao gồm các ngành: CN sản xuất linh kiện điện tử, CN vật liệu, CN khuôn mẫu, gia công cơ khí. Tuy nhiên, CNHT ngành Điện tử tại Việt Nam ít phát triển, dẫn đến tỉ lệ nội địa hóa rất thấp, bình quân chỉ 20-30%. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã rất quyết tâm thúc đẩy ngành CNĐT phát triển, nhằm giúp cho các doanh nghiệp (DN) nước ta tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Sau đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu và những cuộc chiến tranh xung đột giữa các quốc gia, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập đoàn toàn cầu hoạt động trong lĩnh vực điện tử, điện thoại như: Samsung, Canon, LG, Panasonic, Foxconn… và ngành CNĐT, bán dẫn, điện thoại trong nước sẽ có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn khác dịch chuyển tới Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất đang tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư FDI trong ngành CNHT điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất chip. Trong đó, nổi bật là sự kiện Tổng thống Mỹ tới Việt Nam và chuyến công tác dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và hoạt động song phương Việt Nam – Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Các DN Mỹ đều mong muốn việc nâng cấp quan hệ hai nước thành Đối tác Chiến lược toàn diện về lâu dài sẽ tạo thuận lợi để các DN Mỹ có thể nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.
Những tín hiệu mới tích cực
Cả nước hiện có 610 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử
Chỉ tính trong vài năm lại nay, đã có nhiều hãng lớn, DN trong chuỗi cung ứng CNĐT đã dịch chuyển từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam, tìm kiếm nhà máy sản xuất và triển khai chuỗi cung ứng. Gần đây thông tin một hãng công nghệ lớn đã tìm kiếm triển khai sản xuất các dòng sản phẩm cao cấp hơn, sẽ kéo theo một loạt các DN CNHT đi kèm... Về phía trong nước, đến cuối năm 2022, đã có trên 200 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1, 2, 3 cho Samsung, trong đó có 52 DN cấp 1. Tương tự, LG Việt Nam, Canon Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng là các DN Việt Nam khá đông đảo, còn Canon hiện đã có 176 DN địa phương.
Theo Tổng cục Hải quan, tới nửa đầu tháng 3/2023, đã có 4 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD. Đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với 2,22 tỷ USD. Tiếp đến là điện thoại và linh kiện đạt 1,75 tỷ USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 1,57 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,23 tỷ USD. Còn báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2022, ngành CNĐT đạt kim ngạch xuất khẩu 114,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so năm 2021 và chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đáng chú ý, ngành điện tử Việt Nam hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, ti-vi, máy giặt, điện thoại, máy in… Đây là tín hiệu đáng mừng, mở ra một triển vọng mới cho ngành CNĐT nước ta trong giai đoạn hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Theo TS. Dương Minh Tâm, Phó Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TPHCM, đẩy mạnh phát triển ngành CNHT điện tử, cũng là “cửa thoát rộng mở” cho DN vừa và nhỏ cũng chính là liên kết sản xuất với các tập đoàn FDI công nghệ cao. Quá trình cộng sinh tốt nhất là DN công nghệ cao sẽ từng bước chuyển giao công nghệ cho các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực CNHT nhằm tăng tính cạnh tranh sản phẩm.
Việc phát triển hệ sinh thái DN phụ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc và tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn. Theo nhận định của các Hiệp hội Vi mạch quốc tế, nếu làm tốt xu hướng phát triển này, Việt Nam có thể nghĩ đến tự sản xuất chip từ năm 2030 trở đi. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã đón nhận sự đầu tư của nhiều DN, nhà đầu tư lớn trên thế giới từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đủ tầm để tạo ra hệ sinh thái phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, trước hết ở các khâu thiết kế và đóng gói.
Tại Lễ ra mắt Trung tâm Điện tử, Vi mạch bán dẫn (ESC) thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), chiều 6/9/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thay thế cho mô hình phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên trước đây. Không thể có một ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển nếu thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ, chuyên môn cao. Chúng ta đã lựa chọn nguồn tài nguyên vô tận là trí tuệ cùng với huy động, kết nối, hợp tác để thu hút nhân tài, làm động lực phát triển mới. Đây là hướng đi đúng đắn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường đại học nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao sau đại học để dẫn dắt sự phát triển của CNĐT; tạo ra nhu cầu nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa. Nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại nhất cho các trường đại học, DN đào tạo nhân lực để nắm vững cả chuỗi giá trị của công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đây là đầu tư cho phát triển, cho tương lai.
Cần có cơ chế, chính sách nào cho CNĐT, bán dẫn?
Theo các chuyên gia, để phát triển mạnh CNĐT, bán dẫn, thúc đẩy ngành CNHT vươn tầm hội nhập với thế giới, thì Nhà nước phải có thêm những định hướng chiến lược, cụ thể, nhằm hỗ trợ các DN trong nước tập trung sản xuất chuyên sâu, đa dạng các chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn, các DN FDI về chất lượng sản phẩm và giá thành. Trong đó, cần quan tâm hỗ trợ các DN trong nước về tín dụng, ưu đãi thuế, giá mua trong khuôn khổ các dự án mua sắm công đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Đồng thời, triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ thông qua các chương trình tài trợ nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ từ trường, viện cho các DN Việt Nam trong lĩnh vực điện tử.
Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là tại các quốc gia có nền CNĐT phát triển về làm việc tại các DN, trường, viện trong nước; hỗ trợ các hoạt động hợp tác đào tạo, nghiên cứu với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài để đẩy nhanh quá trình chuyển giao tri thức, kinh nghiệm vào trong nước. Đặc biệt là khuyến khích đầu tư để thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử nghiệm, kiểm thử và kiểm định trong lĩnh vực điện tử phục vụ các DN khởi nghiệp và DN vừa và nhỏ trong nước nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử, kiểm thử và kiểm định các sản phẩm điện tử.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm CNHT ngành CNĐT, giúp đẩy nhanh việc khép kín chuỗi cung ứng trong nước, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng tự chủ và chống chịu của ngành CNĐT trong nước…
Theo ông Nguyễn Đình Vinh – Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel: “Việt Nam đã phát triển CNHT hơn 30 năm nhưng kết quả chưa như kỳ vọng, trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ cần 20 năm xây dựng đã có một nền CNHT phát triển mạnh. Thực tế, hiện nay, các DN không đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Cụ thể, để tham gia cung ứng linh kiện, bản mạch…, cần đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, vì thế nếu không được đảm bảo đầu ra, DN chắc chắn sẽ rơi vào khó khăn. Để làm được điều này phải có “bàn tay” của Nhà nước”.
Minh Vũ