Chủ trương thành lập Trung tâm thiết kế, sáng tạo…
Ngày 10/02/2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về việc triển khai thí điểm mô hình TTTKST, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Xã Duyên Thái (Thường Tín); Xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên); Xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ); Xã Duyên Hà (Thanh Trì); Xã Di Trạch (Hoài Đức); Xã Vân Hà (Đông Anh); Xã Hòa Lâm (Ứng Hòa); Làng nghề Tơ tằm Vạn Phúc (quận Hà Đông).
Theo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, lộ trình thực hiện triển khai thí điểm các mô hình dự kiến: Quý I - II/2023, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, xây dựng, phát triển mô hình; Quý II- III, tổ chức đánh giá, công nhận các Trung tâm, tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho các nghệ nhân thiết kế, nhà thiết kế trẻ; quản lý vận hành các Trung tâm. Quý IV – V, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu chung để quảng bá, giới thiệu các TTTKST; tổ chức các hoạt động thông tin truyền thông, triển lãm để quảng bá các TTTKST,…
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, các TTTKST được thành lập sẽ kiến tạo môi trường triển khai hoạt động hỗ trợ cơ sở CNNT, chủ thể sản xuất, kinh doanh của các làng nghề, hình thành, phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm. Từ đó, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội. Mô hình cũng được kỳ vọng tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã.
Mới đây, ngày 26/4/2023, UBND huyện Chương Mỹ vừa ban hành kế hoạch số 167/KH-UBND về Phát triển TTTKST, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn huyện Chương Mỹ năm 2023. Theo kế hoạch, huyện Chương Mỹ sẽ thành lập 1 Trung tâm tại xã Phú Nghĩa.
Phù hợp thực tế và nguyện vọng người dân
Theo thống kê, Hà Nội có 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố Hà Nội công nhận. Cùng với đó, Hà Nội hiện có 1.871 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên còn hiệu lực. Điều đó cho thấy, tiềm năng phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của Hà Nội rất lớn. Việc thành lập TTTKST, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch phù hợp với thực tế sản xuất của các làng nghề và nguyện vọng của người dân.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung - Làng nghề Mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung - Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ cho biết: Việc thành lập TTTKST, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch rất phù hợp và cần thiết với sự phát triển làng nghề hiện nay. Không chỉ tôi mà còn rất nhiều nghệ nhân, người làm nghề mong muốn có trung tâm này. Tôi đã đi thăm quan các trung tâm thiết kế ở Pháp, Nhật, Philippines,.. Ở đó tập trung nhiều thành phần như các nhà hoạch định tổ chức, các tiến sĩ, người làm nghề, nghệ nhân,... Việc tổ chức thiết kế, sáng tạo,... bài bản, tạo thuận lợi cho người sáng tác, người làm nghề. Họ có thể bán bản quyền thiết với giá rất cao. Nhiều năm qua, chúng tôi đã xuất nhiều sản phẩm mây tre đi nhiều quốc gia, thậm chí tôi còn đi bán rong ở nhiều nước như Đức, Pháp, Bỉ, Anh,... Tôi thấy, sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam được khách hàng quốc tế yêu thích và được mua với giá cao.
Qua tìm hiểu được biết, đối với hoạt động sáng tác, thiết kế của xã Phú Vinh, thì nhiều năm qua, tư duy sáng tác, sáng tạo, thiết kế trong anh em là có, nhưng sáng tác xong, làm ra được sản phẩm mẫu, để sản xuất số lượng lớn lại gặp khó khăn. Theo Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, năm 2022, ông sáng tạo hộp đựng trà, lõi bằng ống tre, bọc bằng vỏ thân cây đu đủ, rất đẹp, an toàn, thân thiện với môi trường, có khách hàng đặt 5.000 chiếc trong vòng 2 tháng, nhưng không thể tổ chức được nguồn nguyên liệu để sản xuất, đành phải từ chối.
Người làm nghề mây tre đan thôn Phú Vinh
Nhìn từ thực tế, khi thành lập được Trung tâm này, đội ngũ nghệ nhân, người làm nghề,… sẽ được tập hợp, tập trung sáng tác, thiết kế, sáng tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa. Từ đó, sản phẩm sẽ được nâng tầm, nâng cao giá trị, người lao động sẽ có thêm nguồn thu nhập và dự trữ được nhiều mẫu thiết kế. Trong các mẫu, có mẫu sẽ được ứng dụng ngay, có mẫu lưu trữ. Các mẫu có tính nghệ thuật, ứng dụng cao sẽ được đặt hàng và mang lại giá trị kinh tế cao. Ví dụ như: Mẫu bộ cơi đựng trầu của tôi được sáng tác và công nhận từ năm 1977, được người dùng yêu thích, từ đó đến nay vẫn được sản xuất, có năm lên tới hàng vài vạn bộ, ông Trung chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, khi thiết kế, sáng tác được, từ những mẫu dự trữ, các làng nghề sẽ chủ động lên kế hoạch sản xuất, chủ động được nguồn nguyên liệu, chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất; tập hợp, bố trí người lao động. Từ đó tạo công ăn việc làm cho nông dân, đáp ứng được các đơn hàng. Ngoài ra, các trung tâm này sẽ hỗ trợ được các chủ thể OCOP, các đơn vị sản xuất quảng cáo, bán hàng, tiếp thị sản phẩm... Đây là điểm tập trung những sản phẩm ưu tú của địa phương, giúp người dân có sự lựa tiêu dùng tin cậy.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung cho rằng, không chỉ riêng ông mà các nghệ nhân, các chủ thể sản xuất ở các địa phương khác đều rất mong muốn Nhà nước sớm thành lập và đưa các TTTKST, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch vào hoạt động. Cùng với đó, mong rằng, Nhà nước có những chính sách cụ thể, phù hợp để khuyến khích các nghệ nhân, người làm nghề tích cực tham gia, tạo ra giá trị thiết thực thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề và các cơ sở sản xuất.
Minh Ngọc