Chính sách ưu tiên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực CNHT đã có
Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP (Nghị định 111) ngày 3/11/2015 về phát triển CNHT, trong đó có chính sách tín dụng để hỗ trợ phát triển CNHT. Chủ trương hỗ trợ CNHT phát triển của Chính phủ Việt Nam tiếp tục được cụ thể hóa tại Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025 (Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017); Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT (Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 3/4/2017); Các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT (Nghị quyết số 115/NQ-CP năm 2020)… Thông qua các chương trình phát triển CNHT, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đối với ngành Ngân hàng, bên cạnh việc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh các tỉnh, thành phố tích cực tổ chức kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cập vốn tín dụng của doanh nghiệp, NHNN đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-NHNN hướng dẫn chính sách cho vay phát triển CNHT; Tiếp đó là Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, trong đó quy định khách hàng hoạt động trong lĩnh vực CNHT được tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam với lãi suất không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Cuối năm 2022, NHNN quyết định nới room tín dụng từ 1,5 - 2% với mục tiêu tăng thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để có điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực đang cấp thiết có nhu cầu trong nền kinh tế, đặc biệt là nhóm các lĩnh vực ưu tiên...
Với những chủ trương, chính sách ưu tiên khi cấp tín dụng đối với lĩnh vực CNHT, đến cuối năm 2022, tín dụng đối với các lĩnh vực này cũng đã có mức tăng trưởng là 12,99%.
Vì sao nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận?
Mặc dù các chính sách là như vậy và cũng đã có những kết quả tích cực, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT cho biết, họ vẫn rất khó để tiếp cận được với những ưu đãi của Chính phủ, nhất là các ưu đãi liên quan đến lãi suất, tín dụng.
Ông Lưu Hải Minh - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) cho biết, khảo sát tại các doanh nghiệp thành viên cho thấy, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nhiều chính sách như thuê đất, thuế, ưu đãi thuế… và đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp, ông Đặng Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (cơ sở tại Hà Nội) cho biết, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn khi muốn phát triển sản xuất kinh doanh. Mặc dù Nhà nước đã ban hành chính sách, song cơ chế cho vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính còn nhiều bất cập, khiến ưu đãi vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.
Nguyên nhân của thực trạng này là bởi, để vay được vốn, doanh nghiệp cần có rất nhiều điều kiện, trong khi đó, doanh nghiệp CNHT đa số có quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, không có hoặc rất ít tài sản bảo đảm, trong khi nhu cầu vay vốn lại lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp.
Mặt khác, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp CNHT đa phần là trung và dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, trong khi đó, chính sách tín dụng ưu đãi thường chỉ áp dụng cho nhu cầu vốn ngắn, phạm vi ưu đãi hẹp, chưa kể rất ít doanh nghiệp được cấp chứng nhận thuộc đối tượng CNHT ưu tiên phát triển … nên khả năng tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế.
Cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất
Trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu; giá nguyên vật liệu tăng cao, kéo theo sự gia tăng về chi phí sản xuất, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp CNHT là bước đi cần thiết giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng. Cụ thể, Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất, tối đa 5%/năm, đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển....
Ông Lưu Hải Minh - Phó Chủ tịch HAMI thì cho rằng, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh áp dụng thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp CNHT theo quy định Nghị định 111 của Chính phủ, đặc biệt đối với một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng về dự thảo sửa đổi Nghị định 111 của Chính phủ về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi đi kèm. Theo đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 111 cũng bổ sung, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT.
Đáng chú ý là việc ngân sách Trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp CNHT để thực hiện đầu tư dự án thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất là 3%/năm, thời gian hỗ trợ bằng thời gian cho vay nhưng tối đa không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn, áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân đến hết năm 2030. Với chính sách này, mỗi dự án được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng một lần trong cùng một giai đoạn nếu dự án đó chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng khác từ ngân sách nhà nước.
Những thay đổi của chính sách này được nhiều địa phương và cộng đồng doanh nghiệp CNHT kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Quỳnh Anh