Thứ Sáu, 22/11/2024 06:14:42 GMT+7
Lượt xem: 1362

Tin đăng lúc 03-10-2023

Doanh nghiệp CNHT ở Nam Định cần nhiều chính sách hỗ trợ vốn

Trong những năm qua, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Nam Định đã có những bước tiến nhất định, song vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có. Một trong những rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp CNHT là khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, đòi hỏi các cấp, ngành và địa phương cùng chung tay tháo gỡ.
Doanh nghiệp CNHT ở Nam Định cần nhiều chính sách hỗ trợ vốn
Nam Định sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho doanh nghiệp CNHT

Tăng cường chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp

 

Để thu hút nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, UBND tỉnh đã rà soát, báo cáo, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nam Định đến năm 2020, gồm 10 KCN với tổng diện tích 2.046 ha. Đồng thời, phê duyệt các quyết định điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, điều chỉnh giai đoạn thực hiện và nâng diện tích quy hoạch một số CCN; bổ sung vào quy hoạch thêm một số CCN. Đến năm 2025, toàn tỉnh có tổng số 59 CCN được quy hoạch với tổng diện tích 1.773,77ha.

 

Ngoài các chính sách ưu đãi chung, tỉnh cũng nỗ lực xây dựng các cơ chế chính sách riêng, ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN. Bên cạnh đó, Nam Định chủ trương thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư có có tiềm lực về vốn, tiềm lực công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn và thân thiện với môi trường.

 

Nhờ các chính sách thiết thực, hiệu quả, Nam Định đã thu hút được hàng loạt dự án của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Tỉnh đã tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án sản xuất máy vi tính của Tập đoàn Quanta (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng mức đầu tư 120 triệu USD tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận; thu hút thành công Tập đoàn Jia Wei và các doanh nghiệp phụ trợ đầu tư nhóm dự án có tổng vốn dự kiến 100 triệu USD; thu hút thành công Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao với giá trị 100 triệu USD…

 

Phát triển CNHT vẫn còn nhiều khó khăn

 

Nam Định sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; CNHT, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tạo động lực tăng trưởng

 

Theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Nam Định có 2 ngành công nghiệp nằm trong danh mục có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển là ngành Dệt may, Cơ khí chế tạo và một số khâu trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, đã có một số doanh nghiệp của tỉnh đầu tư sản xuất thành công các sản phẩm thuộc lĩnh vực CNHT (sợi, vải, chỉ và tơ tằm) như các đơn vị: Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định; Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định; Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam.

 

Một trong những ngành công nghiệp chủ lực khác của tỉnh cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển CNHT là ngành cơ khí chế tạo ở các địa phương như: TP. Nam Định có thế mạnh về các sản phẩm cơ khí gia công từ kim loại (dây lưới thép, thiết bị phục vụ các ngành: Điện, Giao thông vận tải, Xây dựng và sản phẩm cơ khí dân sinh) tại CCN Hòa Xá. Huyện Vụ Bản có thế mạnh nghề rèn các loại nông cụ và sản phẩm phục vụ ngành lâm nghiệp tại các xã Quang Trung, Trung Thành; sản xuất dây điện, thiết bị linh kiện điện tử tại KCN Bảo Minh… Mặc dù vậy, số lượng các doanh nghiệp của tỉnh tham gia sản xuất các sản phẩm CNHT vẫn chủ yếu phát triển ở dạng tự phát, manh mún, phần lớn tập trung ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Đơn cử, lĩnh vực dệt may là công nghiệp chủ lực, có bề dày truyền thống, chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh, song phần lớn các doanh nghiệp trong ngành cũng chỉ tham gia ở các khâu ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị là gia công. Một số ít doanh nghiệp ngành Dệt may có tham gia sản xuất nguyên liệu nhưng mới chỉ tự chủ được khoảng 30% nguyên liệu, còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu tới 70% (thậm chí có tới 90% nguyên liệu nhập khẩu từ một thị trường duy nhất).

 

Ngoài ngành Dệt may, nhiều ngành công nghiệp chủ yếu khác của tỉnh như cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất thuốc… tuy không phải nhập nhiều nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng có nhiều công đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất không tự chủ dẫn tới sản phẩm kém chất lượng, không đạt chuẩn do thiếu hụt các sản phẩm CNHT.

 

Tăng cường chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp CNHT

 

Nam Định hiện có gần 11.000 doanh nghiệp, trong đó, 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực trạng trên dẫn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng dành cho CNHT do năng lực tài chính thấp, thiếu hoàn thiện về báo cáo tài chính, hóa đơn, công nghệ sản xuất lạc hậu; không có hoặc có ít tài sản bảo đảm...

 

Mặt khác, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp CNHT thường rất lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp (nhu cầu vay thường là trung, dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất); trong khi đó, chính sách tín dụng ưu đãi chỉ áp dụng cho nhu cầu vốn ngắn hạn, phạm vi ưu đãi hẹp; chưa kể, rất ít doanh nghiệp được cấp chứng nhận thuộc đối tượng CNHT ưu tiên phát triển nên nhiều doanh nghiệp CNHT không “mặn mà” vay vốn.

 

Tính đến hết quý I/2023, dư nợ cho vay CNHT trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt 630,6 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn là 571 tỷ đồng; dư nợ cho vay trung, dài hạn là 59,6 tỷ đồng. Số lượng khách hàng lẫn các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ về vốn đối với CNHT quá ít so với tiềm năng đáng có. 

 

Xác định CNHT là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên bố trí vốn để phát triển, thời gian tới ngành Ngân hàng tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng, nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục hoàn thiện xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

 

Trường Phạm


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang