Hàng thủy sản Việt có nhiều cơ hội vào thủy sản Nhật nhờ VJEPA
VJEPA mở cửa cho hàng Việt
Tại cuộc tọa đàm “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện VJEPA giai đoạn 2015- 2019 và cơ hội cho doanh nghiệp”, ông Hà Duy Tùng- Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính- cho biết, VJEPA (có hiệu lực từ ngày 1/10/2009) đã, đang và sẽ tạo động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước. Theo đó, về tổng thể, vào năm cuối của lộ trình giảm thuế (2026), tức là sau 16 năm thực hiện VJEPA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 90,64% số dòng thuế, trong đó xóa bỏ thuế quan ngay tại thời điểm VJEPA có hiệu lực đối với 29,14% số dòng thuế.
Nhật Bản cũng tạo thuận lợi cho hàng Việt với cam kết loại bỏ thuế quan đối với gần 94,53% kim ngạch trong vòng 10 năm. Đối với các sản phẩm công nghiệp- nhóm hàng Việt Nam chủ yếu nhập khẩu, Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế bình quân từ 6,51% năm 2008 xuống 0,4% vào năm 2019.
Cụ thể, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật được hưởng thuế suất 0% (giảm từ mức bình quân 7%) ngay từ khi VJEPA có hiệu lực; sản phẩm da, giày được hưởng thuế suất 0% trong vòng 5- 10 năm. Trong khi đó, sản phẩm nông sản- lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh nhưng Nhật Bản bảo hộ mạnh mẽ- chỉ được Nhật Bản cắt giảm thuế bình quân từ 8,1% năm 2008 xuống 4,74% vào năm 2019. Nhóm hàng rau quả tươi của Việt Nam cũng được hưởng thuế suất 0% sau 5- 7 năm, kể từ năm 2009.
Riêng đối với hàng thủy sản, Nhật Bản giảm thuế từ mức bình quân 5,4% năm 2008 xuống 1,31% năm 2019. Đặc biệt, tôm, cua, ghẹ và một số sản phẩm cá đã được hưởng thuế suất 0% ngay từ năm 2009.
Việc xóa bỏ phần lớn hàng rào thuế quan đã và đang mở ra cơ hội lớn cho hàng Việt thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
Lựa chọn giữa VJEPA và AJCEP
Trước khi có VJEPA, quan hệ kinh tế hai nước đã được thực thi trên nền tảng pháp lý của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Nhật Bản (AJCEP) được ký từ năm 2008. So với VJEPA, các cam kết về thuế của AJCEP đều thấp hơn. Cụ thể, trong AJCEP, Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan đối với 82% giá trị nhập khẩu từ Nhật Bản trong 16 năm. Ngược lại, Nhật Bản sẽ miễn thuế cho gần 94% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam trong 10 năm. Tuy nhiên, dù ít được giảm thuế, song AJCEP lại có các quy tắc về xuất xứ thuận lợi hơn cho DN Việt Nam khi tiếp cận thị trường Nhật Bản.
Việc cùng chịu ảnh hưởng của hai hiệp định sẽ khiến DN gặp khó khăn khi thực thi. Bởi vậy, ông Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam- cho rằng, khi đứng trên góc độ khác nhau, lợi ích được hưởng của DN sẽ khác. DN phải xác định được lô hàng xuất khẩu nào cần tận dụng ưu đãi thuế, lô hàng nào cần đến thuận lợi về nguồn gốc xuất xứ, từ đó mới chọn lựa được VJEPA hay AJCEP.
Đánh giá về triển vọng thị trường Nhật Bản trong thời gian tới, ông Tạ Đức Minh- Phó Trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương)- cho biết, những năm tới, nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản sẽ tăng cao. Nhật Bản sẽ trở thành nước nhập siêu sau 31 năm liên tục xuất siêu. Hơn nữa, các mặt hàng lâu nay được Chính phủ Nhật Bản bảo vệ đang đứng trước xu hướng phải nới lỏng bảo hộ. Đặc biệt, Nhật Bản đang trong xu hướng chuyển nhập nhiều loại mặt hàng từ Trung Quốc sang nhập từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Những thời cơ đó cùng với hai hiệp định trên, hàng Việt đã có “điều kiện đủ” tạo nên trợ lực mạnh để thâm nhập vào thị trường lớn Nhật Bản.
Tuy nhiên, để nắm bắt được vận hội, các DN Việt Nam cần tự nghiên cứu, cập nhật thông tin, nắm rõ lộ trình cam kết và biểu thuế ưu đãi đối với từng mặt hàng.
Theo VJEPA, nhóm hàng da, giày Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% trong vòng từ 5- 10 năm; nhóm hàng rau quả tươi cũng được hưởng thuế suất 0% sau 5- 7 năm kể từ năm 2009. Các sản phẩm nông sản sẽ giảm thuế bình quân từ 8,1% năm 2008 xuống 4,74% vào năm 2019. |
Nguồn: Báo Công Thương điện tử