Thứ Sáu, 22/11/2024 16:59:02 GMT+7
Lượt xem: 954

Tin đăng lúc 13-07-2023

Câu chuyện ngày nắng của người thợ điện Hà Tĩnh

Mùa hạ, khi mới vừa hửng sáng, mặt trời đã như cái chậu lửa đỏ rực ở đằng Đông. Những cơn gió khô khốc mang theo hơi nóng bỏng rát thổi tung cát, bụi làm cho không gian nơi miền quê chịu nhiều sự khắc nghiệt của thời tiết vốn ngột ngạt nay càng ngột ngạt hơn.
 Câu chuyện ngày nắng của người thợ điện Hà Tĩnh
Đằng sau màu áo cam của người công nhân ngành Điện là những câu chuyện giản dị về cuộc sống và lòng yêu nghề dù còn nhiều vất vả, khó khăn

Nhoắng một cái, nắng đã lên cao đến gần nửa rặng tre. Rồi chút nữa thôi, ánh nắng chói chang sẽ bao trùm lấy miền quê này. Mảnh đất Hà Tĩnh bao đời nay vẫn vậy, nắng “đỏ thịt, cháy da”, mưa “thối đất, thối cát”. Ấy vậy mà, trong thâm tâm của những người con xa quê, xa xứ, Hà Tĩnh “đi mô cũng muốn về”.

 

Xuống xe, sải chân bước trên con đường quen thuộc, anh Nguyễn Tuấn Vũ - người công nhân điện thuộc biên chế Điện lực Kỳ Anh (Công ty Điện lực Hà Tĩnh) trở về thăm mẹ sau hai tháng xa nhà. Hơn hai tháng qua, Điện lực Kỳ Anh nơi Vũ làm việc phải huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện, tăng cường thực hiện các giải pháp củng cố, cải tạo lưới điện để đảm bảo cấp điện trong mùa nắng nóng. Là thanh niên trẻ mới vào nghề, Vũ xung phong ngày đêm “bám lưới” để cùng phối hợp và hỗ trợ anh em; một mặt là để được theo chân các bậc “tiền bối” học hỏi, rèn luyện tay nghề và đúc rút thêm kinh nghiệm.

 

Ngày mới vào nghề, Vũ hăng hái nhận nhiệm vụ tại Điện lực thuộc huyện miền núi vùng biên, cách nhà gần 70km. Với Vũ khi đó, tất cả đều rất mới mẻ, những công việc thường nhật của người công nhân điện cũng nằm ngoài sức tưởng tượng của anh. Trước Vũ chỉ biết, ngành Điện là một ngành năng lượng đi đầu, là nghề mang lại “ánh sáng, niềm vui cho mọi nhà”… Thế nhưng, những từ ngữ nghe có vẻ sách vở đó đã được cụ thể hóa khi Vũ đứng trong đội hình của những người “lính điện”. Cho tới lúc này đây, anh mới cảm nhận được hết những vất vả và hiểm nguy thường trực mà mình và đồng nghiệp phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ trên lưới điện.

 

Hôm qua mẹ gọi điện thoại hỏi Vũ: “Mai chủ nhật con có về không?”. “Có mẹ ạ!”. “Thế tốt quá! Tranh thủ về thăm nhà rồi sửa cho mẹ cái quạt, chẳng hiểu sao hai hôm rồi chẳng chạy. À nữa, tiện thể kiểm tra luôn đường dây điện vào nhà giúp bác Thành, nghe nói nhà bác ấy tậu thêm cả điều hòa, cả tủ lạnh nên đường dây có vẻ không ổn con ạ”. “Mẹ yên tâm, con trai mẹ là thợ điện mà, chuyện nhỏ mẹ nha, hihi”- Vũ cười và nói vẻ tự tin.

 

Trước khi ra về, Vũ nói với anh đội trưởng, “em về thăm mẹ rồi sáng sớm mốt em vào, tầm khoảng 6 giờ em đợi anh tại TBA7 rồi anh em mình cùng đến nhà ông xóm trưởng để trao đổi về việc phối hợp chặt cây vi phạm hành lang lưới điện anh nhé! À, nhờ anh nói cháu Dũng nhà anh cho em mượn cái áo đoàn, xong việc em thay áo để kịp tham gia cùng Đoàn Thanh niên đi tuyên truyền tiết kiệm điện luôn ạ”.

 

Đi theo lối nhỏ vào nhà, từ xa Vũ thấy bóng mẹ đang cặm cụi phơi thóc trước sân. Màu vàng của thóc chẳng giống màu áo cam của người thợ điện, ấy thế mà chẳng hiểu sao Vũ lại thấy chói chang đến lạ. Phải chăng, vì nhìn thấy mẹ lớn tuổi mà vẫn còm cõi, vất vả với cây lúa, củ khoai… nên Vũ cảm thấy tâm trạng rối bời.

 

- Chà, lúa đầy nhà, giàu to rồi nhé! Vũ trêu mẹ.

 

- Con về đó rồi à! Chống tay đứng lên đi về phía Vũ, mẹ nheo mắt nhìn thằng con trai út xót xa.

 

- Chao ôi, sao mà đen thui thui thế hả con?

 

- Đen thế này đáng gì đâu mẹ!… mà đen chút cho ra dáng người trưởng thành, hihi!

 

Nói vậy thôi chứ mẹ nói không sai, so với hồi chưa đi làm Vũ đen đi rất nhiều. Không còn trắng trẻo thư sinh như ngày nào, nước da nay đã chuyển sang màu bánh mật. Mà cũng phải, suốt ngày làm bạn với nắng gió, đu mình, lơ lửng trên cột điện, làm sao không cháy đen cho được.

 

Như cả tháng nay, chỉ mới vào nửa đầu mùa hè mà thời tiết Hà Tĩnh đã nóng nảy lửa. Bộ quần áo màu cam dày cộm cũng không che nổi dấu vết mồ hôi, chiếc mũ chống nắng rộng vành không đủ che chắn khuôn mặt rám đen, cháy sạm của những người thợ điện. Nắng càng to, nguy cơ quá tải lưới điện càng hiện hữu, các thắc mắc, kiến nghị của người dân về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện càng nhiều, do đó công việc của người thợ điện càng tăng lên gấp bội. Để đảm bảo dòng điện an toàn, thông suốt, thợ điện như Vũ luôn đặt mình trong trạng thái “lên giây cót”, có lệnh là lên đường.

 

 

Người lính điện Hà Tĩnh đã, đang cố gắng, nỗ lực từng ngày, từng giờ với hành trình và sứ mệnh “Thắp sáng niềm tin”

 

Nhất là thời điểm nửa cuối tháng 5 trở lại đây, nắng nóng gay gắt kéo dài làm cho các hồ thủy điện lớn đã đến cạn kiệt nước đến mức báo động, lưới điện vận hành ở chế độ cực kỳ khẩn cấp, vì thế, song song với nỗ lực cung ứng điện, Điện lực nơi Vũ đang công tác cũng như ngành Điện cả nước đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, tăng cường kêu gọi, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc tiết kiệm điện. Vũ đã cùng anh em trong đơn vị trực tiếp đến từng hộ dân để phát tờ rơi, cầm loa kéo đi khắp các tuyến phố, ngõ ngách, xóm chợ… để tuyên truyền, hướng dẫn người dân các sử dụng điện đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Việc làm này không những giúp người dân giảm chi phí thanh toán tiền điện, mà còn làm giảm bớt áp lực cho ngành điện trong việc cung ứng điện, nhất là thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay.

 

- Mẹ ơi, sao tủ lạnh nhà mình không chạy vậy mẹ?

 

- À! mấy ngày nay, làng trên xóm dưới liên tục phát thanh kêu gọi người dân nâng cao ý thức tiết kiệm điện nên mẹ ngắt phích cắm tủ lạnh rồi, quạt mẹ cũng có dám bật đâu,… thôi thì chịu khó chia sẻ, đồng hành với ngành Điện để con giảm bớt áp lực”.

 

- Ôi mẹ ơi, không phải tiết kiệm điện là tắt hết các thiết bị không sử dụng đâu ạ. Tiết kiệm ở đây là chúng ta phải có kế hoạch cân đối và sử dụng hợp lý để tránh lãng phí thôi mẹ ạ!

 

“Để con nói mẹ nghe. Thật ra khi đi tuyên truyền con cũng nghĩ, tiết kiệm điện là việc không hề khó, bởi việc làm đó vừa ích nước, lợi nhà nên ai ai cũng sẽ hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên qua thực tế con thấy, mặc dù người dân đã có ý thức trong việc tiết kiệm điện và cũng đã thực hành tiết kiệm, nhưng hầu như chỉ mới thực hiện tức thời, chưa hình thành được thói quen nên việc tiết kiệm chưa đạt hiệu quả mẹ ạ!”

 

- Thế à, vậy thì mẹ sẽ cố gắng tiết kiệm đúng cách và kêu gọi các bác xóm mình cùng chung tay, mỗi người ý thức một chút thì sẽ có kết quả theo đúng chủ trương của nhà nước và tinh thần của ngành điện con ạ!

 

- Chà! Có con trai làm trong ngành Điện nên thấu hiểu và cảm thông phết nhỉ! Con nói đùa thôi, mẹ cứ phải dùng điện khi cần thiết, không được tiết kiệm quá mức sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, con lại thêm lo.

 

- Ừ, mẹ biết rồi! Mà con này, mẹ thấy nghề của con vất vả quá, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề không chỉ ở điều kiện làm việc khắc nghiệt, nguy hiểm mà cả trong quá trình giao tiếp, phục vụ khách hàng. Cực quá con ạ!

 

- Mẹ à, nghề nào cũng có cái khó khăn, cực khổ của nó. Đúng là ngành Điện có nhiều nét đặc thù, là ngành không được phép sai, vì khi sai là không thể sửa được. Thế nhưng nếu để so với một số ngành nghề khác thì còn nhiều ngành còn vất vả hơn chúng con, có những hy sinh, cống hiến thầm lặng đáng được tôn vinh và ngợi ca hơn chúng con nhiều mẹ ạ! Hơn nữa, khi nhìn thấy ánh điện tỏa sáng muôn phố, muôn phường thì mọi vất vả, mệt nhọc của chúng con cũng dần tan biến, con thấy tự hào và hạnh phúc lắm luôn! Đây chính là động lực, là niềm vui để anh em thợ điện chúng con được tiếp thêm sức mạnh và giữ vững tinh thần ngày đêm trần mình trên lưới điện mẹ ạ!...

 

Là hành khách đầu tiên của chuyến xe buýt sớm, Vũ bước lên xe vẫy tay chào mẹ trở về đơn vị sau một đêm hai mẹ con tâm sự, hàn huyên tới khuya. Ngồi xuống ghế cạnh cửa sổ, kéo kính xe, Vũ thò đầu ra ngoài, nhắm mắt cảm nhận không khí trong lành hòa quyện với hương thơm của rơm rạ đang phảng phất trong gió. Xa xa, mặt trời đã le lói xuất hiện những tia nắng yếu ớt. Một ngày mới lại bắt đầu, công việc và đồng nghiệp đang chờ đón Vũ, hay những tia nắng cuối chân trời kia đang đợi Vũ đến để trở nên chói chang hơn bao giờ hết. Mặc kệ, Vũ chẳng lo lắng, bởi trong lòng Vũ giờ đây, anh đã sẵn sàng cho “cuộc chiến với nắng” bằng niềm tin được vun đắp từ lòng yêu nghề của những con người sẵn mang trong mình sứ mệnh “Thắp sáng niềm tin”./.

 

Phương Thảo


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang