Thứ Năm, 05/12/2024 02:02:54 GMT+7
Lượt xem: 225

Tin đăng lúc 04-12-2024

Chinh phục chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội nào cho ngành ô tô Việt Nam?

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá và gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, với mục tiêu không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Chinh phục chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội nào cho ngành ô tô Việt Nam?
Ngành CNHT ô tô Việt Nam đang có cơ hội lớn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

Năm 2023, theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cứ 10 ô tô được bán ra thị trường trong nước có khoảng 07 chiếc được lắp ráp tại Việt Nam và tỷ lệ này tiếp tục được tăng lên trong năm 2024. Tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm từ trung bình 10 - 14% đã tăng lên 20% - 30% đối với xe du lịch. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã đạt tỷ lệ nội địa hóa xe bus lên trên 60%, xe tải 40%, xe du lịch bình quân 25%, trong đó một số mẫu xe du lịch đạt trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực RVC để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA).

 

Hyundai Thành Công Việt Nam (TC Motor) có mẫu Palisade được sản xuất tại nhà máy số 2 Ninh Bình đạt tỉ lệ RVC trên 40%, đủ điều kiện hưởng các ưu đãi thuế quan từ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tạo lợi thế cạnh tranh lớn khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hay như VinFast chỉ sau một thời gian ngắn đầu tư sản xuất xe điện, các mẫu xe mang thương hiệu Việt không chỉ có chỗ đứng trong thị trường "xe xanh" tại Việt Nam mà còn vươn ra thị trường quốc tế.

 

Có thể nói, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn như: Toyota, Hyundai, VinFast, Ford và Honda. Năm 2023, doanh số thị trường ô tô Việt Nam đạt hơn 500.000 xe, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành ô tô Việt Nam là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Theo Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa trung bình chỉ đạt khoảng 10 - 15%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 40% đặt ra trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2021 - 2030. Điều này khiến ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc lớn vào nguồn linh kiện nhập khẩu, làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 

Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước chỉ tham gia vào các công đoạn gia công đơn giản, có giá trị gia tăng thấp, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn lớn. Phần lớn các doanh nghiệp CNHT trong nước chỉ dừng lại ở việc gia công các bộ phận như ốc vít, đinh tán, hoặc vỏ nhựa cho nội thất xe hơi. Đây là những sản phẩm có giá trị gia tăng rất thấp, chủ yếu dựa vào lao động thủ công và máy móc cơ bản. Trong khi đó, các bộ phận quan trọng như động cơ, hộp số, hệ thống phanh hay các module điện tử lại hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu hoặc sản xuất bởi các nhà cung cấp nước ngoài.

 

Một ví dụ thực tế có thể kể đến là chuỗi cung ứng của Toyota Việt Nam. Dù có mạng lưới hơn 30 nhà cung ứng trong nước, nhưng phần lớn các doanh nghiệp CNHT này chỉ cung cấp các linh kiện đơn giản như vỏ đèn, vỏ ghế hay các chi tiết cơ khí không yêu cầu kỹ thuật cao. Các bộ phận phức tạp như hệ thống động cơ hay các cảm biến điều khiển vẫn phải nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc Thái Lan. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn khiến ngành CNHT Việt Nam khó tích lũy kinh nghiệm để phát triển lên các phân khúc cao hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu từ Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, chỉ khoảng 10 - 15% linh kiện trong một chiếc ô tô sản xuất tại Việt Nam được cung cấp bởi các doanh nghiệp CNHT nội địa. Tỷ lệ này rất thấp so với Thái Lan, nơi tỷ lệ nội địa hóa đã đạt tới 50 - 60%, nhờ sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp CNHT vào các công đoạn giá trị cao như sản xuất động cơ và hệ thống truyền động.

 

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thiếu đầu tư vào công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại. Các dây chuyền sản xuất trong nước chủ yếu là công nghệ cũ, không đủ chính xác và ổn định để sản xuất các linh kiện đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu vốn để đầu tư mở rộng, không thể đạt quy mô sản xuất cần thiết để đáp ứng đơn hàng lớn từ các tập đoàn đa quốc gia.

 

 

Nhiều thách thức vẫn đang đón đợi ngành công nghiệp ô tô 

 

Dù ngành CNHT ô tô còn nhiều hạn chế song không thể phủ nhận rằng Việt Nam đang có nhiều lợi thế để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước hết, vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam tại trung tâm Đông Nam Á giúp kết nối thuận lợi với các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN. Điều này tạo điều kiện lý tưởng cho việc xuất khẩu linh kiện và xe hơi sang các thị trường quốc tế. Hơn nữa, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, bao gồm miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành công nghiệp ô tô, như Khu Công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình) hay Khu Công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) đã thu hút được các nhà sản xuất lớn.

 

Sự hiện diện của các thương hiệu ô tô quốc tế như: Toyota, Hyundai, Ford và Honda không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư lớn mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT. Các nhà sản xuất này đang chuyển giao công nghệ và mở ra cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện. Đặc biệt, thị trường nội địa Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng nhanh với tỷ lệ sở hữu xe hơi còn rất thấp, khoảng 50 xe/1.000 người. Điều này cho thấy nhu cầu nội địa là động lực quan trọng để các nhà sản xuất mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Để đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, việc đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa là nhiệm vụ quan trọng. Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất linh kiện và chuyển giao công nghệ từ các đối tác quốc tế. Các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành CNHT cần được xây dựng để tạo ra hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh. Song song đó, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế và trường đại học để đào tạo kỹ sư và lao động kỹ thuật lành nghề sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.

 

Ngoài ra, việc thúc đẩy phát triển xe điện cần được đặt lên hàng đầu trong chiến lược dài hạn. Xây dựng chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất xe điện và trạm sạc là điều cần thiết để đáp ứng xu hướng chuyển đổi xanh trên toàn cầu. Việt Nam cũng cần tăng cường xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu xe hơi và linh kiện. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP sẽ giúp ngành CNHT ô tô tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu và Nhật Bản.

 

Mặc dù còn nhiều thách thức, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với những bước tiến quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu. Sự thành công của các thương hiệu như VinFast và việc thu hút các nhà sản xuất lớn là minh chứng rõ nét cho tiềm năng của ngành. Nếu thực hiện tốt các chiến lược và giải pháp đã đề ra, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ không chỉ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất ô tô lớn của khu vực ASEAN, góp phần đưa Việt Nam vươn tầm thế giới.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang