Thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố trên cả nước như công an, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường đã phát hiện bắt giữ hàng trăm nghìn bao thuốc lá thẩm lậu qua biên giới hoặc đang vận chuyển đi tiêu thụ. Điều này cho thấy, tình trạng buôn lậu tại nhiều địa bàn vẫn nóng và có dấu hiệu gia tăng.
Sở dĩ có tình trạng này là do sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá như các quy định tại Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 124/2015/NĐ-TTg, Công văn số 06/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao, Luật Thương mại, Luật Đầu tư... gây khó khăn và ách tắc việc xét xử tội danh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, làm mất dần công cụ răn đe có tính mạnh mẽ nhất của pháp luật.
Việc xét xử theo tội buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới rất ít khi thực hiện được trên thực tế do đường biên giới Việt Nam tiếp giáp với các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Trung Quốc rất dài, khó có bằng chứng chứng minh đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển qua biên giới.
Do việc xử lý hình sự đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên toàn quốc không thực hiện được nên giảm tính răn đe đối với các đối tượng buôn lậu, giảm sự quyết liệt trong công tác chống thuốc lá lậu và cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu thuốc lá tăng mạnh trong năm 2016. Số liệu thống kê cho thấy, số đối tượng bị bắt giữ xử lý hình sự giảm 53,5%; số vụ bắt giữ xử lý hình sự giảm 58,9%; lượng thuốc lá bị bắt giữ và tiêu hủy cũng giảm hơn 30% so với năm 2015.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để chống thuốc lá lậu cần “chặn từ gốc và siết tận ngọn” vừa tránh lũng đoạn thị trường, tránh thất thu thuế của nhà nước, vừa bảo vệ sức khỏe người dân trong nước.
Trước hết, các cơ quan chức năng cần ngồi lại để rà soát, sửa đổi bổ sung, khắc phục những bất cập trong các văn bản pháp luật như Bộ Luật hình sự 100/2015/QH13 để thống nhất với quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các bộ, ngành, lực lượng chức năng địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường phối hợp hành động nhằm đấu tranh chống buôn lậu, đặc biệt ở những địa bàn trọng điểm và những nơi có cửa khẩu biên giới; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc chấp hành quy định của nhà nước về chống buôn lậu, có chương trình hỗ trợ tạo việc làm cho cư dân biên giới, tránh tiếp tay cho đối tượng buôn lậu. Đồng thời xử phạt thật nghiêm minh các đối tượng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu.
Về phần ngọn, các lực lượng chức năng nội địa như quản lý thị trường, công an... tùy theo nhiệm vụ chức năng cần xây dựng các chương trình hành động, tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục các chương trình tuyên truyền thực hiện các quy định của nhà nước về PCTH thuốc lá, trong đó có thuốc lá nhập lậu; tích cực triển khai các mô hình không khói thuốc.
Nguồn Báo Công Thương