Chủ Nhật, 24/11/2024 09:23:01 GMT+7
Lượt xem: 3888

Tin đăng lúc 19-10-2016

Chống buôn lậu thuốc lá khó: Có nguyên nhân do cán bộ

Công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá đến nay chưa có chuyển biến căn bản là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ, thậm chí bao che, tiếp tay cho buôn lậu.
Chống buôn lậu thuốc lá khó: Có nguyên nhân do cán bộ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá

Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá do Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tổ chức tại TPHCM sáng nay.

 

Buôn lậu và vận chuyển thuốc lá thay đổi theo hướng tinh vi, phức tạp

 

Đánh giá của các đại biểu dự hội nghị, sau khi Thủ tướng có Chỉ thị số 30, nhiều địa phương và cơ quan chức năng đã tổ chức đánh mạnh vào các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu thuốc lá tại một số địa phương trọng điểm vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Phương thức buôn lậu và vận chuyển có nhiều thay đổi theo hướng tinh vi, phức tạp.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, buôn lậu thuốc lá do thu lợi cao, nên hoạt động này gần như công khai, thách thức các nỗ lực chống buôn lậu của các cơ quan chức năng. Thậm chí, các đối tượng vận chuyển sẵn sàng chống trả lực lượng chống buôn lậu nếu như bị phát hiện.

 

Tại biên giới Tây Nam Bộ, thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia được tập kết tại các huyện giáp ranh như Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), Trảng Bàng, Bến Cầu (Tây Ninh) và Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TPHCM). Sau đó các đầu nậu thuốc lá phân phối, chia nhỏ lẻ để đưa vào trung tâm TPHCM tiêu thụ.

 

Đối với buôn lậu thuốc lá trên biển, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn cho hay, buôn lậu thuốc lá trên biển không nhiều, nhưng số lượng thuốc lậu lại lớn, mỗi vụ bắt giữ lên đến hàng trăm nghìn bao trên vùng biển Đông Bắc và biển Tây Nam. Tuy nhiên, do việc xử phạt chưa đủ tính răn đe nên cũng gây khó khăn trong việc phòng, chống nạn buôn lậu thuốc lá.

 

Về giải pháp, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An Nguyễn Xuân Hồng, địa phương chiếm hơn 30% lượng thuốc lá nhập lậu của cả nước cho biết, Long An không ủng hộ việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá lậu, và kiến nghị cho tái xuất số thuốc lậu thu giữ còn chất lượng.

 

Theo ông Hồng, tiêu hủy không làm giảm tình trạng buôn lậu, mà còn gây lãng phí, ô nhiễm môi trường... Năm 2014, Long An tái xuất hơn 12 triệu bao thuốc lá, thu về hàng chục tỷ đồng cho ngân sách.

 

Với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu chia sẻ, việc thực hiện tái xuất mặc dù đem lại nguồn thu và không phải tốn ngân sách tiêu hủy, nhưng rất khó triển khai bởi nhiều lý do như quy định của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá không cho xuất ngay sang nước có chung biên giới, hay tiêu chuẩn của thuốc lậu thường kém chất lượng, không có ghi rõ thông tin cảnh báo, nên sẽ khó xuất khẩu chính thức cho các nước...

 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà khẳng định, với lợi nhuận buôn lậu quá cao thì việc cấm thuốc lậu là rất khó. Thuốc lá cũng như các mặt hàng hạn chế tiêu dùng, nên chính sách giá là rất cần thiết. Còn về căn cơ lâu dài, để giảm tiêu thụ thuốc lá, cần làm giảm lượng cầu thuốc lá trong nước thông qua việc tuyên truyền tác hại, đồng thời có chính sách quản lý bán lẻ hữu hiệu, không chỉ với thuốc lá, mà đối với nhiều mặt hàng như rượu, bia...

 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý vấn đề pháp lý đối với đề xuất thực hiện tái xuất thuốc lá lậu sang nước thư 3 của đại diện tỉnh Long An.

 

 


Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm về trình trạng buôn lậu thuốc lá

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách và bảo đảm an ninh, trật tự.

 

Tuy nhiên, dù các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây ổ nhóm buôn lậu, nhưng tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên. Buôn lậu thuốc lá làm thất thu ngân sách lớn, tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuốc lá, đến đời sống, công ăn việc làm của người lao động.

 

Phó Thủ tướng đánh giá: “Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây 2 năm quy định khá toàn diện nhiệm vụ của từng cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, đến nay buôn lậu thuốc lá vẫn chưa có chuyển biến căn bản, có nguyên nhân quan trọng là người đứng đầu các cấp, các ngành chưa tập trung chỉ đạo và đấu tranh quyết liệt với vấn đề này.

 

Cùng với đó, việc thanh tra kiểm tra, xác định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan chức năng chưa làm thường xuyên, quyết liệt. Ngoài ra còn có nguyên nhân cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi hành công vụ, thậm chí bao che, tiếp tay cho buôn lậu”.

 

Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng buôn lậu thuốc lá. Do đó, thời gian tới, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quán triệt và trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, tích cực hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

 

Địa phương nào xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, kéo dài, nhức nhối thì người đứng đầu chính quyền địa phương và người đứng đầu các lực lượng chức năng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

 

Liên quan đến việc xử lý số thuốc lá lậu thu được, Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Tái xuất thì hiệu quả rõ về kinh tế, nhưng về pháp lý có bảo đảm không, có phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, trong khi tiêu hủy thời gian qua dư luận cho là phản cảm, ô nhiễm môi trường, lãng phí và tốn ngân sách? Vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu, xem xét kỹ tính khả thi của từng phương án.

 

Về phương án lâu dài, theo Phó Thủ tướng, các tỉnh cần có kế hoạch phát triển kinh tế khu vực biên giới, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

 

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các địa phương, địa bàn trọng điểm khu vực biên giới. Hiệp hội Thuốc lá, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và các tổ chức xã hội-nghề nghiệp có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ cụ thể, thiết thực để người dân ổn định và cải thiện đời sống, không tham gia vào buôn lậu.

 

Sau 2 năm thực hiện Chị thị 30 của Thủ tướng Chính phủ, công tác chống buôn lậu thuốc lá tại các địa bàn trọng điểm đã đạt được một số kết quả.

Lượng chức năng tại 6 địa bàn trọng điểm phía nam đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15.363 vụ buôn lậu thuốc lá với số lượng hơn 11,3 triệu bao; khởi tố hình sự 372 vụ với 471 đối tượng (Long An bắt giữ hơn 4 triệu bao, TPHCM hơn 2,4 triệu bao, An Giang hơn 1,8 triệu bao, Tây Ninh hơn 1,5 triệu bao, Đồng Tháp hơn 1,2 triệu bao).

 

 

Nguồn Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang