Ngành công nghiệp nào là mũi nhọn?
Một số doanh nghiệp (DN) chuyên kinh doanh và đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo thiết bị điện đã cho rằng, nhiều khi cảm thấy loay hoay, lúng túng trong việc định hướng phát triển DN của mình, vì không thấy có chính sách phát triển công nghiệp mang tầm chiến lược lâu dài, nhất quán từ chính sách vĩ mô. Chính sách phát triển công nghiệp ngắn hạn, cho một ngành cụ thể như: Cơ khí, đóng tàu... thì có, nhưng việc thực thi nhiều khi không nghiêm túc nên không mang lại hiệu quả. Có doanh nhân từng nhiều năm điều hành DN ngành dệt may, sau đó chuyển sang lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã cho rằng, không biết chọn ngành công nghiệp nào là mũi nhọn, là thực sự cần thiết để đạt mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Vì vậy, cần phải làm rõ mục tiêu thông qua các quy hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp mang tính thống nhất để khi nhắc đến ngành đó, người ta nghĩ ngay đến Việt Nam và khi nghĩ đến Việt Nam là người ta biết ngay có ngành đó phát triển, ví dụ như sản xuất và xuất khẩu ô tô và điện tử thì người ta nghĩ ngay đến Nhật Bản, Hàn Quốc...
Vẫn biết, Việt Nam cũng không thể nhìn sang “học theo” các quốc gia công nghiệp phát triển khác có sản xuất thép, ô tô, điện tử hay đóng tàu là có thể làm như vậy, vì sẽ không ổn do sức cạnh tranh của các DN trong nước và ngành công nghiệp Việt Nam nói chung so với thế giới là rất thấp. Đặc biệt, khi xuất phát điểm của Việt Nam lại là quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp, với 70% dân số ở nông thôn và làm nông nghiệp, hoặc các ngành nghề liên quan. Do đó, việc “cần làm ngay” để Việt Nam sớm trở thành quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại hóa là phải khẩn trương ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu và công nghiệp phụ trợ.
Ngành công nghiệp Việt Nam cần có những cú huých để bứt phá
Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước ta chưa gắn liền với các yếu tố chất lượng, hiệu quả và kém bền vững. Mà nổi bật là sự tồn tại của một cơ cấu kinh tế có sức cạnh tranh thấp, rất bất lợi khi hội nhập với nền kinh tế toàn cầu theo một luật chơi rất khắc nghiệt. Nền kinh tế nước ta cơ bản vẫn phát triển theo chiều rộng, trong đó nổi lên là công nghiệp chế biến, gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, do đó tỷ trọng giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất có xu hướng giảm. Để “giải mã” thực trạng này, đưa ngành kinh tế nước nhà phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 9/6/2014). Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 6,5-7%/năm; giai đoạn 2021-2030 đạt 7,5-8%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) giai đoạn đến năm 2020 đạt 12,5-13%/năm; giai đoạn 2021-2030 đạt 11,0-12%/năm. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43% trong GDP, và năm 2030 chiếm 43-45% trong GDP. Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 85-90% giá trị SXCN; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% tổng GDP, năm 2030 các tỷ lệ tương là 90-92% và trên 50%.
Để hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng này, ngành công nghiệp Việt Nam cần được phục hồi nhanh chóng và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng SXCN ở đều khắp các ngành, các địa phương. Đặc biệt, cần tập trung vào một số ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu (XK); tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; khuyến khích phát triển dân doanh, đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển bền vững khu vực kinh tế ngoài nhà nước; phát triển mạnh các ngành và sản phẩm công nghiệp có thị trường, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và có khả năng giải quyết nhiều việc làm. Các ngành được xem là chủ chốt sẽ được tập trung hướng đến đó là: Cơ khí-luyện kim; hóa chất; điện tử; dệt may-da giày; chế biến nông-lâm-thủy sản; thực phẩm, đồ uống; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; điện; than, dầu khí. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các DN nhỏ và vừa, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp theo các chuẩn mực về môi trường, tiến tới công nghệ xanh giai đoạn sau năm 2020.
Hội nhập quốc tế luôn giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần mở ra cơ hội để Việt Nam đến gần hơn với thế giới, được tiếp cận với không ít nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại của các nước trong khu vực và quốc tế, đồng thời tham gia sâu hơn vào chuỗi SXCN toàn cầu. Vẫn biết quá trình triển khai, thực hiện các chương trình hội nhập kinh tế nói chung sẽ còn nhiều nan giải, do đó phải từng bước thực hiện một số nội dung như sau: Thứ nhất: Ngành công nghiệp cần nhận thức rõ cơ hội, vận hội mới luôn song hành cùng không ít thách thức, nghiệt ngã... từ đó, chủ động nắm lấy thời cơ và đương đầu với thách thức. Đồng thời, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập, nhằm phục vụ mục tiêu CNH-HĐH đất nước. Thứ hai: Để thúc đẩy các DN sản xuất công nghiệp trong nước mạnh lên, năng lực thực sự được nâng tầm, làm chủ quá trình hội nhập, cạnh tranh thắng lợi khi tham gia hội nhập... Nhà nước cần có cơ chế chính sách “thoáng-mở” hơn nữa, tạo điều kiện và khuyến khích các DN (thuộc mọi thành phần kinh tế) nâng cao năng lực của mình, làm chủ thị trường nội địa. Thứ ba: Tập trung chuẩn bị tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ hội nhập, vì đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của quá trình hội nhập. Đến nay, việc này thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ, trong đó cần có một chương trình mang tầm quốc gia (có mục tiêu và giải pháp cụ thể), không chỉ đối với DN mà đối với cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần được cụ thể hóa đối với từng ngành, từng lĩnh vực (trên cơ sở xác định lộ trình, mục tiêu cho 5 năm và từng năm để triển khai thực hiện). Thứ tư: sử dụng có hiệu quả các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô, coi đó là công cụ quản lý nhà nước, chủ yếu để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế.
Hy vọng, với những giải pháp trên được triển khai, thực hiện hiệu quả, tới đây ngành công nghiệp Việt Nam sẽ đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập và sẽ đạt được mục tiêu phát triển với cơ cấu hợp lý, đủ sức cạnh tranh để phát triển bền vững trong hội nhập.
Anh Thư