Thứ Sáu, 22/11/2024 23:20:10 GMT+7
Lượt xem: 3369

Tin đăng lúc 12-11-2015

Cơ hội từ TPP với dệt may: “Miếng ngon” mang đãi “người ngoài”?

Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, nhiều dự án FDI trong lĩnh vực dệt may sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam để tận hưởng các ưu đãi khi TPP được ký kết. Cũng có ý kiến cho rằng thay vì mở cửa đối với tất cả dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày như lâu nay, Chính phủ nên có biện pháp cụ thể giúp DN trong nước thuộc hai lĩnh vực này lớn mạnh, tận dụng cơ hội xuất khẩu sang các nước TPP.
Cơ hội từ TPP với dệt may: “Miếng ngon” mang đãi “người ngoài”?

Theo thống kê, hầu hết các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn lớn được cấp phép từ đầu năm đến nay tập trung vào lĩnh vực dệt may. Số liệu của Sở KH&ĐT Tp.HCM cho thấy, chỉ trong 10 tháng đầu năm nay, thành phố này đã thu hút 15 dự án đầu tư mới với số vốn hơn 300 triệu USD vào ngành sợi, dệt, may. Ngoài ra, còn có 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực này được nhà đầu tư xin phép tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 31,8 triệu USD.

 

Đích ngắm dệt nhuộm

 

Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Trưởng Ban quản lý các KCX-KCN Tp.HCM, cho biết, trong tổng số vốn FDI cấp mới từ đầu năm đến nay, riêng đầu tư vào lĩnh vực dệt may chiếm đến 71,75%. Dự án lớn nhất trong lĩnh vực dệt may đầu tư vào Tp.HCM là của công ty TNHH Worldon (thuộc Tập đoàn Dệt may Shenzhou International, Trung Quốc), đầu tư sản xuất các sản phẩm dệt kim cao cấp, có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD tại KCN Đông Nam, Củ Chi.

 

Đặc biệt, các KCN Việt Nam đang đón lượng vốn đầu tư lớn vào ngành dệt may của Trung Quốc. Trong đó, 3 dự án lớn của các nhà đầu tư Trung Quốc gồm: Dự án 400 triệu USD xây KCN dệt may tại Nam Định; dự án 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu USD của TAL tại Hải Dương.

 

Điều này cho thấy, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã dần được rõ nét. Trước năm 2012 chỉ có 57 dự án với số vốn đăng ký là 191,2 triệu USD, thì gần đây hàng loạt dự án lớn của nhà đầu tư Trung Quốc đã được triển khai.

 

Mới đây, tỉnh Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án của công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) có vốn đầu tư đăng ký 274 triệu USD. Nhà máy sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may này có quy mô diện tích 99 ha tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, với công suất sản xuất hàng năm là 43.200 tấn sợi tổng hợp polyster, 127 triệu m2 vải dệt kim và nhuộm, 96 triệu m2 sản phẩm kéo sợi cotton.

 

Tại Đồng Nai, dự án của công ty TNHH Hyosung Đồng Nai, với tổng vốn đầu tư đăng ký 660 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực dệt may, được cấp phép vào đầu tháng 6/2015. Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) hiện có dự án đầu tư lớn nhất tại Đồng Nai, với tổng số vốn đăng ký là 995 triệu USD, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may.

 

Ông Nguyễn Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), cho biết, hơn 2 tỷ USD vốn từ nước ngoài đã đổ vào ngành dệt may từ đầu năm 2015 đến nay. Phần lớn trong số này là các cụm dự án liên hoàn, từ sản xuất sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải và may xuất khẩu.

 

Theo kế hoạch, ngay đầu năm 2016, một phần trong tổng số 300 triệu USD vốn tài trợ của Chính phủ Ấn Độ dành cho các dự án hợp tác giữa ngành dệt may hai nước sẽ được chuyển vào Việt Nam để cụ thể hóa bằng các dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.

 

Lợi bất cập hại?

 

Ông Anil Rajvanshi, Giám đốc viện Nghiên cứu Nông nghiệp Nimbkar (Ấn Độ) cho biết, Ấn Độ sẽ không bị ảnh hưởng bởi TPP. Thay vào đó, nhiều cơ hội sẽ mở ra cho ngành công nghiệp dệt may của Ấn Độ khi đầu tư vào Việt Nam.

 

Hiện nay, mức thuế suất trung bình sản phẩm dệt may Việt Nam xuất vào Mỹ từ 5-17%, vào EU mức 12%, nếu được giảm xuống còn 0%, hàng Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia chưa là thành viên, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ…

 

Đây là những lí do khiến ngành dệt may Việt Nam đang thu hút lượng vốn ngoại khổng lồ. Song bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, điều này sẽ khiến DN Việt Nam khó cạnh tranh hơn khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, nhất là hiện nay, sức cạnh tranh của DN may mặc Việt Nam rất yếu, chủ yếu vẫn là gia công và phụ thuộc vào nguyên liệu NK từ Trung Quốc.

 

Ts. Dương Đình Giám, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng có những lý do để lo ngại về việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn, các DN Việt Nam hiện chưa có năng lực đủ mạnh sản xuất các nguyên, phụ liệu hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu của DN Trung Quốc và nước ngoài nên các DN Việt Nam phải nhập nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc sang. Điều này làm cho Việt Nam trở thành quốc gia nhập siêu đối với Trung Quốc.

 

Đặc biệt, theo các chuyên gia, các DN dệt may không nằm trong TPP bắt đầu dịch chuyển đầu tư vào ngành dệt may nhằm tranh thủ sự ưu đãi về thuế với nguyên tắc xuất xứ từ sợi mà TPP đã quy định. Nhưng động thái trên có thể làm cho Việt Nam dễ trở thành một nước gia công, chế biến với lợi nhuận thấp. Các DN Việt Nam dễ bị “thôn tính” bằng các hình thức đầu tư, liên doanh.

 

Về vấn đề này, Gs.Ts Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, nêu quan điểm: “Tôi nhiều lần đặt vấn đề liệu có nên xem đây là làn sóng đầu tư tốt cho Việt Nam? Dệt may không phải là lĩnh vực công nghệ cao, thay vì thu hút đầu tư nước ngoài, nhà nước nên tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển”.

 

Theo Gs. Mại: “Chúng ta đã phải đánh đổi không ít khi tham gia TPP nên Chính phủ cần có hướng giải quyết để cộng đồng DN Việt có thể khai thác, tận dụng và thụ hưởng lợi thế xuất khẩu sang các nước TPP. Theo đó, không đóng cửa nhưng cũng không khuyến khích đầu tư nhiều vào lĩnh vực may mặc, giày da”.

 

Và cùng với bài toán lợi ích bị chia sẻ đi kèm là những lo ngại về làn sóng dịch chuyển sau khi được cấp phép và đi vào sản xuất, liệu các DN này có thực hiện đúng cam kết về sử dụng công nghệ hiện đại; đảm bảo yêu cầu xử lý nước thải, chất thải; sử dụng đúng về số lao động đã đăng ký… hay không?

 

 

Gs.Ts Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài

 

Hai năm nay, dự án đầu tư vào may mặc diễn ra rầm rộ ở Tp. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định… Chín tháng đầu năm, nhiều dự án lớn hàng trăm triệu USD đổ vào lĩnh vực may mặc đã được xúc tiến. Nhưng thay vì mở cửa đối với tất cả dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày như lâu nay, Chính phủ nên có biện pháp cụ thể giúp DN trong nước thuộc hai lĩnh vực này lớn mạnh, tận dụng cơ hội xuất khẩu sang các nước TPP.

 

Ts. Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT)

 

Thay vì nhập khẩu nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, phía Trung Quốc có chủ trương dịch chuyển các nhà máy ở trong nước sang Việt Nam. Không cẩn thận, Việt Nam sẽ xuất hộ Trung Quốc sản phẩm, trong đó phần lớn giá trị gia tăng là của phía họ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là các nhà máy cũ của Trung Quốc với công nghệ lạc hậu được mang sang Việt Nam, biến Việt Nam thành bãi thải công nghệ.

 

Ts. Dương Đình Giám - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công Thương

 

Công nghệ của Trung Quốc nhập vào Việt Nam thường cho năng suất thấp, hiệu quả kém, chất lượng sản phẩm làm ra không cao như trường hợp một số nhà máy nhiệt điện chẳng hạn. Mặt khác, nó sẽ làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm đi đáng kể. Chúng ta cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc hàng hóa do các DN Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam. Hành động này không những để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam mà còn bảo vệ hình ảnh, uy tín của hàng hóa Việt Nam.

 

 

Theo Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang