Chấp nhận mạo hiểm tìm thị trường mới
Nhớ lại những năm đầu thập niên 90, khi thị trường dệt may chính của Việt Nam là Liên Xô cũ và Đông Âu tan vỡ, các DN dệt may Việt Nam với ý chí kiên định, đã không thể cho phép mình sụp đổ theo. Nhiều doanh nghiệp đã có ý nghĩ táo bạo: tiến vào thị trường phương Tây. Trong hàng đầu dũng cảm ấy có các doanh nghiệp mà nay tên tuổi trở nên đáng nể ở Việt Nam như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, May Hồ Gươm… Quốc gia phương Tây mà các DN dệt may VN hướng tới đầu tiên là Mỹ. Nếu chinh phục được thị trường khó tính bậc nhất là Mỹ, sẽ vào được các thị trường khó tính nhưng khổng lồ khác là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Nhưng thị trường Mỹ khiến các DN Việt choáng ngợp không chỉ bởi rào cản thương mại, mà còn là hệ thống quy định về chất lượng, quy cách, công nghệ, môi trường phức tạp nhất. Mỹ là thị trường lớn và đặc biệt đối với cả thế giới, thói quen tiêu dùng hàng dệt may của người Mỹ cũng khác Đông Âu, họ chuộng hàng dệt kim mức giá trung bình và thường mua nhiều hàng một lúc, thay mới liên tục. DN Việt phải đối diện trước một thử thách chưa có tiền lệ, đang từ thói quen SX theo phương thức kế hoạch hóa, đơn hàng nhỏ lẻ và dễ tính, phải thay đổi để tiếp cận một thị trường lớn, luôn cạnh tranh mang tính tư bản, có thể chấp nhận yếu tố mới nhưng cũng sẵn sàng đào thải các tên tuổi lớn nếu không còn đáp ứng nhu cầu thị trường. Các DN Việt Nam buộc phải đầu tư mạnh để thay đổi máy móc, mua công nghệ mới, đào tạo nhân sự để quản lý, sử dụng hệ thống dây chuyền SX, công nghệ mới. Hơn nữa, còn phải thay đổi ý thức trong kinh doanh, thay đổi tư duy từ làm manh mún sang việc nâng cao trình độ quản lý để xử lý đơn hàng lớn. Đây là quyết định vô cùng khó khăn trong lúc chúng ta chưa biết rõ các rào cản thương mại sẽ được dỡ bỏ chính xác lúc nào. Việt Nam cần đầu tư và nhập khẩu công nghệ tiên tiến để phát triển công nghiệp phụ trợ, đa dạng nguồn nguyên liệu... để tự chủ được đầu vào, có công nghệ hiện đại để sản xuất ra những mặt hàng đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính là Mỹ.
Trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng, một số DN dệt may VN chọn giải pháp hợp tác với nhau để cùng thực hiện đơn hàng lớn cho thị trường Mỹ. Cũng có DN phối hợp tốt được với khách hàng Mỹ, trong đó khách chấp nhận đầu tư máy móc, thiết bị cho DN Việt để DN này đủ năng lực SX đơn hàng lớn và khách bao tiêu sản phẩm. Điều đó có nghĩa các DN cần bước phát triển vượt mình, bứt phá để vươn lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam tỏ ra khá e dè trong việc đầu tư này. Bởi vào thời điểm đó, chúng ta ở thế đứng khá chông chênh - Hiệp định Thương mại Việt Mỹ chưa biết bao giờ mới được phê chuẩn, thị trường Mỹ chưa biết đến khi nào mới được khai thông, nếu dốc toàn lực để đầu tư mà thị trường không “mở” thì ai cứu doanh nghiệp?
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty May Hồ Gươm là một trong những lãnh đạo DN May VN đầu tiên tới Mỹ thăm dò thị trường. Năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, tuy nhiên đó mới là chủ trương của hai Chính phủ, còn việc hợp tác cụ thể giữa doanh nghiệp hai nước còn rất nhiều rào cản cũng như thiếu thông tin hiểu biết lẫn nhau. Hiệp định thương mại dệt may Việt-Mỹ cũng chưa được ký kết. Các DN Mỹ chưa tin tưởng vào DN dệt may Việt Nam. May Hồ Gươm đã sáng tạo trong cách làm, thông qua một đối tác Hongkong, vốn đã quen và dày dạn kinh nghiệm xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ, để kết nối với thương hiệu danh tiếng Levis Strauss. Với một thị trường mới và khó tính, không thể đơn thương độc mã mà làm được. Hồ Gươm còn chấp nhận bước đi mạo hiểm, chuyển đơn hàng cho khách ở Mỹ xong, khách chấp nhận được mới chuyển tiền. Để đảm bảo hàng đúng quy định khắt khe của Levis, may Hồ Gươm đã phải thay một loạt máy móc cũ, đầu tư mua máy mới và vận dụng nhiều phương pháp mới. Xác định cần đi trước, chấp nhận cả rủi ro để khai mở con đường mới, May Hồ Gươm đã thành công với khách hàng đầu tiên. Năm 1996, bà Ninh Thị Ty đã được Bộ Thương Mại khen thưởng vì thành tích là một doanh nghiệp may tuy nhỏ, nhưng đã tiên phong khai thác thị trường Mỹ thành công. Sau khi May Hồ Gươm làm được ở thị trường Mỹ, các DN khác của Việt Nam vững tin hơn, mạnh dạn đầu tư và tiến bước sang thị trường khổng lồ này.
Và cuối cùng, các DN dệt may Việt Nam đã chọn cách lớn dần lên. Đầu tư trước để đón cơ hội. Quyết tâm đưa hàng dệt may VN vào Mỹ đã trở thành động lực lớn khiến dệt may Việt Nam tạo một bước chuyển mình lớn và mạo hiểm, tiến lên phát triển bắt kịp xu thế của thế giới. Động lực ấy tạo nên sức ép khiến các DN suy nghĩ, sáng tạo tìm ra những phương thức phù hợp để mạnh dạn đầu tư theo đúng lộ trình thời gian đưa ra, bên cạnh đó năng nổ đi tìm kiếm thị trường để có đơn hàng SX. Và cứ thế, DN dệt may đã vượt qua những khó khăn ban đầu ở việc thiếu vốn, thiếu nhân sự chất lượng, thiếu công nghệ… thực hiện bước tiến mạnh mẽ mà ban đầu tưởng chừng bất khả thi.
“Hổ” lắp thêm cánh
Khi Hiệp định dệt may Việt Nam – Mỹ có hiệu lực từ ngày 01/05/2003, con đường mới đã mở ra cho các DN dệt may Việt Nam. Với sự chuẩn bị đón đầu kỹ lưỡng cho cơ hội này, hàng dệt may Việt Nam đã tiến đến thị trường rộng lớn của Mỹ và đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao, từ 10 tới 20%/năm. Một khi hàng dệt may Việt Nam lọt qua được rào cản của Mỹ chứng tỏ có tiến bộ và nó như giấy thông hành để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác. 10 năm sau khi Hiệp định được ký kết, xuất khẩu dệt may của ViệtNam vào thị trường Mỹ trong năm 2013 đã đạt gần 8,6 tỷ USD. Tới năm 2014 đạt khoảng 10 tỷ USD. Quả là con số ấn tượng. Xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ tăng vọt, khiến các DN dệt may Việt Nam như hổ được lắp thêm cánh. Các DN đầu tư mạnh mẽ hơn, năng động tìm kiếm thêm thị trường châu Âu, Nhật, Hàn, và cũng đạt được thắng lợi mỹ mãn. Sức cạnh tranh của các DN dệt may VN cũng được tăng cường. Qua đó, kinh nghiệm thị trường, cũng như mối quan hệ với bạn hàng của DN dệt may Việt Nam cũng dày dặn thêm lên. Ta đã tạo được một nền tảng dệt may vững chắc để phục vụ tốt nhu cầu cao của thế giới. Chúng ta cũng được rèn luyện và sở hữu đội ngũ nhân sự dệt may chuyên nghiệp, sánh ngang các cường quốc dệt may thế giới. Việt Nam đã bước đầu hội nhập thành công chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và đứng trong Top 5 các nước SX hàng dệt may hàng đầu thế giới, và đang phấn đấu vào vị trí thứ 4. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ Hai trong số các nước xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ (chỉ sau Trung Quốc). Hiện dệt may Việt Nam chiếm khoảng 9% thị phần tiêu thụ tại Mỹ. Dự kiến, xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ đạt 11 tỷ USD năm 2015 và đạt 20 tỷ USD trước năm 2020.
Lịch sử có lặp lại?
Vào năm 2013, đã có một sự kiện quan trọng tiếp theo cho dệt may nói riêng và Việt Nam nói chung khi chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một bước tiến mới nâng cấp quan hệ giữa hai nước từ bình thường hóa lên đối tác toàn diện, hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội mới cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước. DN dệt may VN càng thuận lợi hơn trong việc mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn nhất thế giới, với hơn 100 tỷ USD/năm. Hiện nay, dệt may Việt Namchiếm khoảng 4% thị phần cung ứng hàng dệt may cho toàn cầu. Tại thị trường Mỹ, nơi Trung Quốc vốn giữ thị phần XK số 1 tại đây với hơn 50% thị phần trước đây, nay đã giảm mạnh chỉ còn 37%. Dệt may Việt Nam hiện đã tăng thị phần tại Mỹ, hiện giữ vị trí thứ 2 với khoảng 9%.
Vào thời điểm này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội cũng như thách thức mới khi Hiệp định TPP đã qua nhiều vòng đàm phán và sắp được ký kết, trong các nước thành viên có Vệt Nam và Mỹ. Luật chơi đã đổi thay và muốn tận dụng được cơ hội này để bứt phá phát triển nhảy vọt thêm lần nữa, Việt Nam lại cần gồng mình để đầu tư, chuyển đối phương thức SX CMT sang ODM và tiến tới OBM. Muốn đầu tư được chuỗi cung ứng toàn diện từ khâu sợi trở đi, Việt Nam cần mở nút thắt ở khâu dệt-nhuộm hoàn tất, thiết kế và thị trường. Đây là những khâu yếu và vô cùng khó khăn đối với DN dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không mạnh dạn đầu tư để thay đổi, thì lợi thế từ Hiệp định TPP sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp FDI. Lịch sử đang lặp lại, liệu các DN dệt may VN có dũng cảm vượt qua khó khăn của khâu yếu nhất, vươn lên lớn mạnh lần nữa như đã thực hiện cú nhảy vọt ngoạn mục từ 2003 tới nay hay không?
Tập đoàn Dệt May Việt Nam với vị trí đầu tàu dẫn dắt toàn Ngành, cũng đang thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, khi trong năm 2014 đã thực hiện tái cơ cấu thành công, chuyển đổi thành Tập đoàn cổ phần, và với sự đầu tư mới từ các đối tác chiến lược ngoài Nhà nước, Tập đoàn đã đi đầu trong việc liên kết các DN trong Tập đoàn, đầu tư theo mô hình chuỗi cung ứng sợi-dệt - nhuộm hoàn tất-may, trở thành một điểm đến toàn diện cho khách hàng. Nếu mô hình này được thực hiện thành công, sẽ thúc đẩy các DN trong toàn Ngành cùng làm theo, tạo nên sức mạnh để dệt may VN vận hành nhịp nhàng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nắm bắt cơ hội lớn mạnh vượt bậc, phục vụ nhu cầu hàng dệt may khổng lồ của Mỹ cũng như toàn thế giới.
Nguồn Vinatex