Thứ Sáu, 22/11/2024 17:51:28 GMT+7
Lượt xem: 1593

Tin đăng lúc 29-03-2023

Công nghiệp ô tô Việt Nam: Những điểm sáng trong gian khó

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chính là yếu tố tiên quyết giúp các thương hiệu tăng cường sản xuất, giảm giá thành ô tô. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng CNHT ngành ô tô đã có dấu hiệu khởi sắc vào năm 2023.
Công nghiệp ô tô Việt Nam: Những điểm sáng trong gian khó
Nhà máy sản xuất ôtô VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ, huyện Cát Hải, Hải Phòng

Khó khăn của ngành công nghiệp ô tô là chưa bao giờ hết. Trong tháng 01/2023, sản lượng tiêu thụ xe du lịch ở Việt Nam giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó đã tác động nặng nề đến ngành lắp ráp ô tô, đặc biệt là thị trường CNHT.

 

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho hay: “Sản lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam chưa đạt mức trung bình 500.000 xe/năm, các sản phẩm chủ yếu đến từ việc nhập khẩu và lắp ráp. Điều này khiến nền công nghiệp ô tô nước ta chưa thể kiện toàn”.

 

Đồng thời, lĩnh vực khoa học kỹ thuật tại nước ta chưa đủ phát triển để đáp ứng cho ngành CNHT. Kết quả là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện chưa thể chế tạo một mã kim loại và mắt ghép trên ô tô, khiến việc tự chủ sản xuất khó khả thi.

 

Cùng với đó, nhiều cơ sở chế tạo phụ tùng cũng gặp một số rào cản khi bán sản phẩm. Đến hết năm 2023, dự kiến có 38 đơn vị sở hữu chứng chỉ chứng chỉ IATF 16949 (bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng dành riêng cho công nghiệp ô tô được Hiệp hội Ô tô Quốc tế công nhận). Con số này được cho là quá ít để thúc đẩy nền CNHT tại Việt Nam.

 

Trên thực tế, các tập đoàn sản xuất, lắp ráp trong nước đều thừa nhận chưa thể dẫn dắt DN chế tạo những linh kiện cốt yếu, hầu hết phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, đặc thù của CNHT là tạo ra các linh kiện để chắp nối, giúp tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Nghịch cảnh này khiến các DN chế tạo linh kiện ô tô chật vật tìm kiếm khách hàng.

 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay, ngành công nghiệp ô tô đang nhập khẩu 80% linh kiện sản xuất. Tuy nhiên, với thực tế giai đoạn ô tô hoá đang tăng nhanh, doanh số bán xe toàn ngành có khả năng sớm chạm mốc 500.000 chiếc, vốn là mốc được gỡ bỏ mác “thị trường nhỏ”. Do đó, việc phát triển CNHT cho ngành ô tô ngày càng trở nên cấp thiết.

 

 

80% linh kiện sản xuất của ngành công nghiệp ô tô đang phải nhập khẩu

 

Hiện các DN CNHT ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

 

So với các quốc gia trong khu vực, những con số này rất khiêm tốn. Đơn cử như Thái Lan có gần 700 DN là nhà cung cấp cấp I thì tại Việt Nam có chưa đến 100 DN. Đối với nhà cung cấp cấp II, cấp III, Việt Nam chỉ có chưa đến 150 DN, trong khi Thái Lan có khoảng 1.700 DN.

 

Các DN tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số DN đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, DN nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.   

 

Dù vẫn còn nhiều khó khăn song ngành CNHT ô tô trong nước đang đứng trước nhiều thời cơ để thay đổi vận mệnh. Hiện nay, nhiều hãng xe đã và đang triển khai mở rộng sản xuất, gia tăng mẫu mã sản xuất lắp ráp trong nước. Điều này tạo ra cơ hội cho tất cả các DN nằm trong ngành phụ trợ, dịch vụ, hậu mãi.

 

Đáng chú ý, một số nhà sản xuất ô tô uy tín tại Việt Nam vài năm trở lại đây đã hợp tác với Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ DN về năng lực, tăng cường liên kết giữa DN trong nước và các nhà sản xuất ô tô. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành CNHT thông qua đẩy mạnh hợp tác quốc tế cũng được xem là mặt tích cực trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Điển hình, Bộ Công Thương đã tích cực tổ chức các khóa đào tạo, tư vấn, hỗ trợ trực tuyến về nâng cao trình độ nhân lực, chuyển giao công nghệ cho các DN trong lĩnh vực điện tử và ô tô.

 

Đối với ngành ô tô, Toyota Việt Nam đã phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) triển khai Dự án Hợp tác hỗ trợ DN trong nước trong lĩnh vực CNHT. Dự án được triển khai với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số DN trong nước thông qua hoạt động kết nối, đào tạo và phát triển năng lực, cải tiến hiệu quả quy trình sản xuất. Từ năm 2018, Toyota Việt Nam cũng thành lập bộ phận chuyên trách đào tạo và phát triển nhân sự và quản lý sản xuất cho nhà cung cấp trong hệ thống của mình. Hoạt động này đã giúp nâng cao được đáng kể số DN thuần Việt trong hệ thống nhà cung cấp của Toyota Việt Nam. 

 

Một điểm sáng đáng chú ý khác là tiềm năng của ngành CNHT. Các DN giờ đây có khả năng phát triển những linh kiện công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn chứ không nhất thiết phải là các phụ tùng cơ khí.

 

Đặc biệt, trong năm 2023, các DN CNHT ô tô sẽ có cơ hội mở rộng thị trường thông qua Triển lãm chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô Automechanika 2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này sẽ giúp tạo ra những kết nối giữa thương hiệu ô tô trên thế giới với các nhà đầu tư, các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam và các DN phụ trợ.

 

Automechanika 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 25 tháng 6 năm 2023 tại Trung tâm Hội chợ và triễn lãm Sài Gòn (SECC). Đây là triển lãm chuyên ngành duy nhất về công nghiệp ô tô và các dịch vụ về hậu mãi ô tô và là một phần của thương hiệu 'Automechanika' toàn cầu.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang