Hiện nhiều nhà vườn ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đang ăn nên, làm ra từ cây cam xoàn. Yếu tố tạo nên thành công ở đây là: Bên cạnh việc chọn giống cây trồng phù hợp, nông dân còn liên kết trong sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; từ đó tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Vào thời điểm này, những vườn cam xoàn ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp đang vào mùa thu hoạch. Bên những vườn cam xanh ngút mắt, trĩu quả thường xuyên xuất hiện các doang nghiệp, thương lái tìm đến thu mua. Anh Trần Văn Tời-một nông dân trồng cam xoàn đầu tiên ở đây tâm sự: Vùng đất này nhiễm phèn nặng,trước đây chỉ trồng tràm, sau trồng mía, trồng lúa nhưng thu nhập bấp bênh. Mấy năm trước, khi bắt tay vào trồng thử cây cam xoàn anh cũng lo sợ sẽ không mang lại hiệu quả cao. Nào ngờ cây cam xoàn lại phù hợp với vùng đất này và mang lại thu nhập không “xoàng” chút nào.
Nhận thấy làm ăn riêng lẻ sẽ không mang lại hiệu quả cao bằng việc liên kết, cách đây gần 3 năm, các hộ trồng cam xoàn ở đây đã bắt tay thành lập Hợp tác xã cam xoàn Phương Phú.
Ông Võ Văn Đê- Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã có 21 thành viên với gần 31 ha cam xoàn. Từ lúc thành lập đến nay, thu nhập của các xã viên không ngừng nâng lên nhờ theo hình thức sản xuất tập thể, có sự tham gia của các doanh nghiệp, từ việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đến thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch. Năm ngoái, Hợp tác xã đã xuất bán hơn 400 tấn cam, đem về thu nhập gần 12 tỷ đồng cho các nhà vườn nơi đây. Năm nay, cam xoàn Phương Phú càng nổi tiếng và thu hút đông đảo doanh nghiệp, thương lái tìm đến do các xã viên đều áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
“Cam xoàn Phụng Hiệp” cho Hợp tác xã. Nhãn hiệu được bảo hộ sử dụng cho nhóm quả cam tươi, nước cam ép, nước trái cây ép và nhóm dịch vụ là mua bán cây giống, mua bán hạt giống. Theo quyết định, tất cả 21 thành viên của hợp tác xã được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cam xoàn Phụng Hiệp” để kinh doanh cam xoàn.
Ông Châu Văn Mía - Bí thư Đảng ủy xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp cho biết: Xã hiện có 150 ha cam xoàn. Từ hiệu quả của mô hình Hợp tác xã Phương Phú, xã đang mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách liên hệ với các chợ đầu mối, các siêu thị để đưa trái cam xoàn vào tiêu thụ; đồng thời tiếp tục chuyển đổi trồng mới gần 270 ha cam xoàn nữa.
"Định hướng của xã là làm sao chuyển hết diện tích mía còn khoảng 165 ha và khoảng 100 ha cây kém hiệu quả chuyển sang trồng cây cam xoàn để làm sao đưa đời sống kinh tế của bà con nông dân xã Phương Phú nói chung và Hợp tác xã cam sành Phương Phú nói riêng trong thời gian tới được từng bước nâng lên”- Ông Châu Văn Mía cho biết.
Theo chính quyền địa phương, những năm qua, giá cam xoàn vẫn ổn định ở mức từ 30.000- 40.000 đồng/kg, thậm chí có năm lên đến 45 ngàn đồng/kg. Đối với cây cam xoàn trồng 4 năm tuổi thì cho năng suất đạt khoảng 5 tấn/công, người trồng có thể thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Cây cam xoàn giờ đã được người dân xã Phương Phú nói riêng và huyện Phụng Hiệp nói chung coi là cây kinh tế. Tuy nhiên theo các xã viên nơi đây, bên cạnh việc chọn giống cây trồng phù hợp, thì bài học kinh nghiệm hàng đầu là nông dân phải biết liên kết với nhau trong sản xuất để hình thành nên những yếu tố quan trọng nhằm đưa sản phẩm mình làm ra có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Có như vậy thì nông dân mới giàu lên được!/.
Theo Tấn Phong- VOV/ĐBSCL