Thứ Sáu, 22/11/2024 13:49:28 GMT+7
Lượt xem: 2871

Tin đăng lúc 09-10-2016

Để hàng Việt Nam khẳng định được giá trị thương hiệu Việt

Hàng Việt hiện đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối ở Việt Nam, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, con số này chưa thực sự bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay. Việc hoàn tất, ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do sẽ mở ra cho VN vận hội mới để hội nhập và phát triển nếu các doanh nghiệp trong nước biết tận dụng cơ hội, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường.
Để hàng Việt Nam khẳng định được giá trị thương hiệu Việt
Nhộn nhịp mua sắm tại một hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao

Thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2015, vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) với quy mô lớn và kết nối trực tiếp các DNVN với các tập đoàn phân phối hàng đầu Châu Âu.

 

Việc đưa hàng trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài sẽ phát huy và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tại Italya và Pháp, đoàn DN Việt đã tổ chức trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, tham quan các siêu thị để tìm hiểu phương pháp quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu. Sau các cuộc tiếp xúc, thảo luận trực tiếp với các DN hai bên về cơ hội hợp tác, các tập đoàn bán lẻ nổi tiếng này đều cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để đưa hàng VN vào hệ thống phân phối của mình. Các DN tham gia đoàn XTTM cho biết, kết nối trực tiếp hệ thống bán lẻ tại thị trường khó tính như châu Âu là giải pháp nhanh và hiệu quả, để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng, nhiều DN hy vọng sản phẩm của mình sẽ xuất hiện tại siêu thị các nước EU trong một ngày không xa.

 

Cả nước hiện có khoảng 600.000 DN, tuy nhiên trong số này có tới 98% là DN nhỏ và vừa, chỉ có khoảng 2% là DN lớn. Hội nhập là xu hướng không thể đảo ngược, việc thực hiện các cam kết hội nhập cũng kéo theo hàng ngoại nhập vào Việt Nam  khi các hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Môi trường tự do hóa thương mại đang diễn ra trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của các DN nội còn hạn chế, đang khiến nhiều người lo ngại hàng hóa trong nước dễ thất thế trên sân nhà.

 

Khó khăn cạnh tranh với hàng nhập khẩu

 

Việt Nam hiện là một trong bốn quốc gia xuất khẩu da giày lớn nhất trên thế giới, mỗi năm, ngành da giày xuất khẩu hơn 10 tỷ USD, tuy nhiên, tại thị trường giày dép nội địa lại đang bị bỏ ngỏ, khi các sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 60% thị phần. Sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước dường như chưa đủ để giúp sản phẩm giày dép “Ma de in VN” chiếm lĩnh thị trường, do sản phẩm hàng nội đòi hỏi sản xuất đầu tư lớn, trong khi nguy cơ tồn kho cao. Ông Nguyễn Văn Khánh – Tổng thư ký Hiệp hội da giày TPHCM cho biết: “Nguồn da là nút thắt cho các hiệp định, đòi hỏi quy tắc xuất xứ, trong khi nguồn da của VN chưa có, nếu biết chuyển hướng qua làm hàng giả da thì chúng ta sẽ chủ động được 70 – 80%. Mặt khác, giảm thuế cũng sẽ làm tăng lượng hàng hóa nhập khẩu và phần nào cũng làm ảnh hưởng đến hàng sản xuất trong nước”. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa “Việt Nam đã ký được nhiều hiệp định song phương và đa phương, từ quá trình hội nhập kinh tế đó, đòi hỏi DN phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của mình để đáp ứng với niềm mong mỏi của hàng hóa trong nước cũng như quốc tế. Đối với Nhà nước, cũng hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách của mình để đáp ứng được yêu cầu của hội nhập”.

 

VN có cơ cấu dân số nằm trong nhóm trẻ nhất thế giới, với 56% dân số dưới 30 tuổi, tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng VN dự kiến sẽ tăng gấp đôi, đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020, đây được đánh giá là điều kiện vàng cho thị trường tiêu dùng trong nước cũng như thực hiện Cuộc vận động Người VN dùng hàng VN.

 

Khó phát triển theo chuỗi cho các DN Việt

 

Theo ông Hoàng Trọng Đông – Phó giám đốc Vinatech cho biết “Làm thế nào để ra được những dòng sản phẩm có chất lượng, vừa bền, đẹp, bắt mắt, phong phú và đa dạng nhưng giá thành phải hợp lý, bởi người tiêu dùng luôn suy nghĩ với nền kinh tế đang khó khăn như thế này, phải tiêu dùng những đồ hợp túi tiền, phù hợp với sức mua nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo, điều đó là vô cùng khó”.

 

Theo các chuyên gia, hiện tại khu vực kinh tế tư nhân trong nước có thực lực yếu nhất, nhưng lại kém được ưu đãi nhất so với các DN nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều DN cho rằng việc bị đối xử như vậy rất khó để các DN lớn lên, tạo sức cạnh tranh trong tương lai. Cả nước hiện có khoảng 600.000 DN tư nhân, những DN này đang tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, chiếm 21% lực lượng lao động trên cả nước. Tuy nhiên, phần lớn các DN này vẫn dừng ở quy mô nhỏ, hạn chế về năng lực sản xuất, do đó khó kết nối thành một chuỗi phát triển.

 

Lợi thế của hàng Việt khi vào siêu thị

 

Nông sản có nguồn gốc từ VN vẫn là mặt hàng được ưa chuộng và chiếm thị phần lớn nhất tại các siêu thị, chỉ một số ít là hàng nhập khẩu, một số siêu thị thậm chí còn liên kết với nhà sản xuất tổ chức các chợ phiên, chương trình khuyến mãi giảm giá để đa dạng hóa sản phẩm, từ đó đưa nông sản Việt đến gần hơn nữa với chính người tiêu dùng trong nước.

 

Một lợi thế đáng kể của DN nội là hiểu rõ thị hiếu, gu tiêu dùng của người dân, hàng ngoại tuy mới lạ, chất lượng tốt, nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp với cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng, còn nhìn vào lĩnh vực sản xuất hàng hóa của nhiều DN trong nước, có thể thấy chất lượng hàng tiêu thụ nội địa cũng được đầu tư không kém hàng xuất khẩu, thậm chí nhiều hệ thống siêu thị trong nước cho biết, họ nghiêng về phía hàng Việt bởi chất lượng ngày càng được nâng cao, mặc dù vậy vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Theo ông Vũ Vĩnh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, lý do chính là từ các DN nội. Ông ví dụ: “Giá hàng hóa Việt Nam ở thị trường nội địa đang đứng ở mức cao một cách vô lý, ví dụ 10 quả trứng do người nông dân bán ra trên thị trường ở Vĩnh Phúc là 20.000đ/quả, nhưng ở các siêu thị vẫn trên 40.000đ/quả, cách có 80 km như vậy mà giá cả như thế thì quá vô lý, vì vậy chính bản thân hệ thống phân phối VN cần phải xem lại, cắt bớt khâu trung gian đi, đưa thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, như vậy chúng ta mới có khả năng phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, đồng thời cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài”...

 

Phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa VN được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn ở các thị trường trọng điểm, đó là mục tiêu của đề án thúc đẩy DNVN tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài. Thời gian tới, DN Việt cần đẩy mạnh chắp nối cung cầu và tiếp tục hỗ trợ các chương trình kết nối đưa hàng hóa từ các vùng miền vào tiêu thụ tại các kênh phân phối nhằm tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Có như vậy, hàng VN mới tiếp tục khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và triển khai tốt hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như khẳng định lại giá trị thương hiệu Việt./.

 

Nguyễn Hoa 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang