Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 39 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Các nghề thủ công khá phong phú ở nhiều lĩnh vực như: Mây tre đan, sản xuất gốm, làm mỳ gạo, bún, bánh đa, nấu rượu, mộc dân dụng… Mặc dù nhiều sản phẩm đã và đang tạo dựng uy tín trên thị trường nhưng hiện nay không ít làng nghề lâm vào tình cảnh khó khăn, sản xuất mang tính cầm chừng.
Điển hình như tại làng nghề truyền thống mỳ Chũ ở thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, Lục Ngạn có tới hơn 90% số hộ dân làm nghề. Bình quân mỗi ngày làng nghề sản xuất 14.650 tấn mỳ gạo. Mỳ Chũ được sản xuất bằng phương pháp gia truyền không sử dụng các chất bảo quản thực phẩm, hàn the… có độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon. Đây là lý do khiến mỳ Chũ được nhiều người ưa thích và đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể. Nhưng hiện nay các sản phẩm của làng nghề mỳ Chũ Thủ Dương chủ yếu được tiêu thụ ở trong nước, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc mở rộng xuất khẩu. Một số sản phẩm khác như: Vải thiều, gà đồi… cũng trong tình trạng tương tự. Nhìn chung, điểm yếu của những sản phẩm này là nhãn mác, bao bì thô sơ, kém sức hút với người tiêu dùng.
Nhận thấy điểm hạn chế, thông qua nguồn vốn khuyến công, Sở Công Thương Bắc Giang đã tích cực hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Trung tâm Khuyến công Bắc Giang đã hỗ trợ 10 cơ sở thiết kế và in ấn thử nghiệm mẫu mã tem, nhãn mác, bao bì đóng gói sản phẩm trà hoa vàng, thịt lợn sạch hữu cơ, mỳ gạo Chũ, hoa quả xuất khẩu để mang sản phẩm này với các sản phẩm CNNT khác đi quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu trên khắp cả nước. Kết quả, với chất lượng tốt, bao bì bắt mắt, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm CNNT của Bắc Giang ngày một được người tiêu dùng biết đến.
Để các làng nghề truyền thống của Bắc Giang thực sự phát triển bền vững, tỉnh Bắc Giang đã có quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn Bắc Giang giai đoạn 2016-2025. Trong đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã tem, nhãn mác, bao bì đóng gói sản phẩm cho các cơ sở có sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu, sản phẩm OCOP…; hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Australia, Trung Quốc… và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng. Được biết, năm 2020, Khuyến công Bắc Giang được phê duyệt 630 triệu đồng trong tổng số 4,5 tỷ đồng cho hoạt động hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế…Ngoài ra, theo ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, Bắc Giang sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, khoa học-kỹ thuật để vực dậy các nghề và làng nghề truyền thống thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm làng nghề truyền thống để phát triển bền vững làng nghề trong giai đoạn hiện nay.
Ngọc Bích