Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 9 tháng năm 2016, toàn ngành dệt may có tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 21,11 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ 2015, hoàn thành 68% so với kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, đây là con số tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của ngành dệt may. Thậm chí, từ nay đến cuối năm, toàn ngành chỉ đặt mục tiêu đạt KNXK 28,5-29 tỉ USD, không đạt mức đặt ra từ đầu năm (31-32 tỉ USD).
Nguyên nhân của việc ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước sụt giảm nghiêm trọng về KNXK, ngoài những yếu tố khách quan tác động như: Nền kinh tế một số nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam đang gặp khó khăn, sự kiện Brexit ở Anh… thì khó khăn của ngành dệt may bắt nguồn từ chính sách giữ tỉ giá của đồng Việt Nam ổn định hơn so với một số đồng ngoại tệ, khiến hàng hóa Việt Nam trở lên đắt hơn và giảm sức cạnh tranh với các nước.
“Hiện tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra khá phổ biến, lượng đơn hàng của nhiều DN dệt may hiện mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều DN còn đang tìm kiếm đơn hàng cho tháng 11-12/2016”, ông Vũ Đức Giang cho biết.
Đánh giá về thị trường nói chung, Chủ tịch VITAS cho biết, Việt Nam có 5 mặt hàng xuất khẩu dệt may chủ lực gồm: Quần áo, vải các loại, phụ liệu, sợi các loại và mặt hàng vải địa kỹ thuật, vải mành đều có mức tăng trưởng thấp và thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt, mặt hàng sợi các loại xuất khẩu rất tốt sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đang bị nước này áp thuế chống bán phá giá và sắp tới Ấn Độ cũng sẽ áp loại thuế này với mặt hàng sợi của Việt Nam. Việc này được ông Giang nhận định là “tác động rất nguy hiểm tới ngành dệt may”.
Hướng đến các thị trường mới
Về kế hoạch những tháng cuối năm 2016, ông Vũ Đức Giang đưa ra dự báo xuất khẩu hàng dệt may năm nay đạt khoảng 28-29 tỉ USD, tăng 5% so với năm 2015, như vậy trung bình 3 tháng cuối năm, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam phải đạt ít nhất 2,5 tỉ USD.
Giải pháp đưa ra để đạt con số này, ông Giang cho biết, thực tế từ quý II/2016, khi thấy tín hiệu ngành dệt may “đi xuống”, các DN trong nước đã chủ động tìm ra một số thị trường mới như: Trung Quốc (Việt Nam đang xuất khẩu sợi, vải và quần áo sang thị trường này), Nga và Ấn Độ.
“Bản thân DN phải tự tìm ra hướng đi riêng cho mình và tìm ra các thị trường mới, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghệ, đặc biệt với ngành may, để tăng năng suất mới có thể đạt được con số 2,5 tỉ USD trong 3 tháng tới”, Chủ tịch VITAS nói.
Ngoài ra, các DN cũng cần tập trung vào thị trường nội địa vì năm 2016 là năm thị trường nội địa có nhiều đột phá, rất nhiều các tập đoàn lớn, các cơ quan, bộ, ngành đã đặt hàng của DN trong nước như: Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam…
Về vấn đề thể chế, ông Giang cho biết, vừa qua VITAS đã tập hợp một khối lượng lớn kiến nghị của DN về một số quy định quản lý chuyên ngành bất hợp lý trình Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan để có hướng điều chỉnh, sửa đổi phù hợp. Một trong những kiến nghị được Bộ Công Thương tiếp thu là sẽ bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm giải phóng từ thuốc nhuộm azo. Nhiều kiến nghị khác cũng đang được Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi hoặc đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát, tháo gỡ.
Theo Chính Phủ