Dù dự báo năm 2017 có tín hiệu sáng hơn, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nên ngành dệt may chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng 6,5 - 7%, đạt trên 30 tỷ USD.
Nhu cầu giảm, cạnh tranh tăng
Đầu năm 2016, theo dự báo của ngành dệt may, thị trường sẽ tăng trưởng, nền kinh tế phục hồi, kỳ vọng nhiều vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… nên đầu năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh tương đối thuận lợi, tuy nhiên, 6 tháng cuối năm thì thực sự khó khăn, bắt đầu bằng sự kiện nước Anh rời EU lập tức ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới, với việc đồng bảng Anh ngay sau đó bị mất giá, lập mức đáy mới của 31 năm vào ngày 5/10/2016. Sự kiện này cũng ảnh hưởng lớn đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), dự kiến sớm nhất có hiệu lực vào năm 2018, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dệt may Việt Nam. Trước khi sự kiện này xảy ra, XK dệt may Việt Nam tăng trưởng tại thị trường này là 9%, nhưng 6 tháng cuối năm tăng trưởng âm, mà nước Anh lại là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại EU.
Trong 7 nước XK dệt may lớn nhất thế giới thì có 4 nước giảm (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan) và 3 nước tăng (Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Việt Nam). Với mức tăng 5,2%, Việt Nam có mức tăng trưởng tốt nhất (Thổ Nhĩ Kỳ tăng khoảng 0,8%, Bangladesh tăng 4,9%), tuy nhiên hệ lụy cũng rất rõ ràng, vì sẽ là mục tiêu của các quốc gia cạnh tranh. Nước nào cũng xác định cạnh tranh với Việt Nam là chính, coi việc kìm hãm Việt Nam là nhiệm vụ cạnh tranh của họ.
Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7%
Bên cạnh đó, báo cáo năm 2016 của ngành dệt may cũng nêu rõ, nguyên nhân của tình trạng này là chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các chính sách thuế do các Hiệp định EVFTA, TPP đều chưa có hiệu lực trong năm 2017. Tình hình cạnh tranh XK ngày càng gay gắt: Các quốc gia cạnh tranh XK sẽ tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá. Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với những chính sách mới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngành dệt may thế giới nói chung. Sự bất ổn của nền kinh tế EU với việc Thủ tướng Italia từ chức, cuối quý I/2017 sẽ chính thức thực hiện Brexit cũng sẽ ảnh hưởng đến cầu dệt may của thị trường EU trong năm 2017. Kinh tế Việt Nam 2017 được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc hơn khi các điều kiện cho tăng trưởng kinh tế về cơ bản vẫn thuận lợi, nhưng Chính phủ chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ ngành dệt may.
Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thực tế, tình hình thị trường năm 2017 cũng giống như năm 2016, hoặc có tín hiệu sáng hơn một chút khi kinh tế Mỹ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn, mức độ tiêu dùng có hy vọng cải thiện. Chính vì vậy, ngành dệt may đặt kế hoạch năm 2017 tăng trưởng 6,5 - 7%, đạt trên 30 tỷ USD. Để đạt được con số này cần nỗ lực tổng hợp từ phía DN cũng như cơ quan Nhà nước và hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào năng suất, cải thiện chi phí lao động/đơn vị sản phẩm, rút ngắn thời gian giao hàng, củng cố mạng lưới logistics.
Chia sẻ về việc cơ hội thuận lợi cho DN dệt may từ EVFTA và một số FTA khác, đại diện Tập đoàn Dệt may khẳng định: "EVFTA là hiệp định lớn bởi quy mô thị trường này lên tới 200 tỷ USD hàng dệt may mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2017 là năm EVFTA chưa có hiệu lực, hy vọng năm 2018 mới có và năm 2017 sẽ là năm chuẩn bị cho yêu cầu của hiệp định này. Sau khi có EVFTA, chúng ta sẽ có cùng mặt bằng cạnh tranh với các nước đang hưởng Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) như Campuchia, Bangladesh trong một số chủng loại. Đây là khu vực chúng tôi kỳ vọng có sự tăng trưởng từ năm 2018". Đối với các FTA khác, do quy mô thị trường nhỏ hơn nên tác động chung lên ngành xuất khẩu lên tới 35 tỷ USD trong thời gian tới là không nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội mới cho các DN nhỏ và vừa tìm kiếm cơ hội tại các thị trường này.
Cùng với sự tích cực của DN, kinh tế vĩ mô và cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ thực hiện trong năm 2016 cũng có tác động tích cực, trước hết là về mặt tinh thần cho các nhà đặt hàng, cung cấp nhìn thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng cải thiện tốt hơn. Đặc biệt, việc cải cách ở Bộ Tài chính, Công Thương, ngành thuế, ngành hải quan… giúp khoảng thời gian thực hiện dịch vụ công được rút ngắn. Với ngành thời trang, thời gian giao hàng là yếu tố cốt lõi, vì thế hướng cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian dịch vụ công, giảm chi phí thực hiện các dịch vụ này sẽ là sự hỗ trợ lớn cho các DN những năm tới. Ông Lê Tiến Trường Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam |
Nguồn Kinhtedothi