Nằm tại ngã 3 một trong những tuyến đường sầm uất nhất của phường 8 - TP. Bến Tre, Cửa hàng tạp hóa Hai Sơn là điểm phân phối các mặt hàng tiêu dùng nhanh như sữa, bánh kẹo, nước giải khát… cho người dân phường 8 và các địa phương lân cận. Đặc biệt, nằm gần một khu công nghiệp, có Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Hồng với 2.300 công nhân, nhu cầu mua sắm hàng hóa Việt có chất lượng ở đây là rất lớn.
Ông Lê Thanh Sơn, chủ cửa hàng cho hay, trước đây, tỷ lệ hàng Việt tại cửa hàng tương đối lớn, nhưng do chưa có kinh nghiệm sắp xếp nên hàng hóa tại cửa hàng chưa bắt mắt, chưa thu hút được người dân. Từ khi được Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất đã chủ động đến cửa hàng đầu tư quầy kệ, bày sản phẩm khoa học và bắt mắt hơn. Hiện nay, cửa hàng có vài trăm mã hàng hóa với 100% là hàng Việt Nam.
“Hàng hóa Việt Nam có đặc trưng là chất lượng ngày càng tốt, mẫu mã ngày càng đẹp, giá cả phải chăng nên người tiêu dùng xung quanh đây rất ưa chuộng. Trước đây, cửa hàng còn bán hàng ngoại nhập nhưng hiện nay không bán nữa vì hàng Việt tiêu thụ nhanh hơn hẳn. Biển nhận diện "Điểm bán hàng Việt Nam" với bảo lãnh của Bộ Công Thương đã giúp uy tín hàng hóa của cửa hàng tăng lên, sức tiêu thụ cao hơn vì người dân tin đây là hàng Việt chính hãng” - ông Sơn vui mừng chia sẻ.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận cho phép thực hiện 3 Điểm bán hàng Việt Nam. Đến nay, điểm bán hàng đầu tiên đã được xây dựng thành công và đi vào vận hành tại Cửa hàng tạp hóa Hai Sơn (TP. Bến Tre). Không những là điểm bán hàng thiết yếu cho bà con, đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa giữa các địa phương, điểm bán hàng này còn là điểm phát luồng hàng hóa của đặc sản các địa phương khác như cà phê, đồ khô Đăk Lăk…
Điểm bán hàng có hàng trăm mã hàng hóa với 100% tỷ lệ hàng Việt Nam
Bà Phạm Thị Hân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, dù Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên đã xây dựng thành công nhưng nếu chỉ hình thành 1 điểm bán thì hiệu quả tuyên truyền và phân phối hàng Việt chưa cao. Do đó, thời gian tới, Sở Công Thương phấn đấu sẽ xây dựng thêm 9 điểm bán tại 9 huyện trong tỉnh. Đặc biệt, không chỉ tập trung vào siêu thị hay cửa hàng, Sở sẽ tập hợp, vận động tiểu thương trong chợ xây dựng điểm bán vì chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối thu hút đông đảo người tiêu dùng. Mô hình này dự kiến sẽ thành công bởi hiện tỷ lệ hàng Việt của tiểu thương trong chợ đang vào khoảng 90%.
Đánh giá cao mô hình Điểm bán hàng Việt Nam tại Cửa hàng Tạp hóa Hai Sơn, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, điểm đầu tiên đáng khen ngợi là 100% hàng hóa tại cửa hàng là hàng Việt Nam, đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Thứ hai, điểm bán hàng được đặt gần khu công nghiệp, là điểm phân phối hàng hóa hiệu quả cho công nhân khu công nghiệp - đối tượng có nhu cầu rất cao về hàng hóa Việt chính hãng, giá cả phải chăng. Thời gian tới, bên cạnh việc duy trì quan tâm, kiểm tra hàng hóa tại điểm bán này, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cần mở rộng thêm các mô hình khác để phát huy hiệu quả tốt hơn.
Bà Lê Việt Nga cũng hết sức khen ngợi sự chủ động của Sở Công Thương Bến Tre bởi năm 2016, dù Bộ Công Thương chỉ hỗ trợ xây dựng 1 điểm bán nhưng Sở Công Thương tỉnh đã chủ động xin nguồn kinh phí từ tỉnh và huy động vốn doanh nghiệp xây dựng 3 điểm bán và tiến tới 9 điểm bán trong thời gian tới. “Cùng với hỗ trợ của Nhà nước, sự chủ động của của địa phương và doanh nghiệp sẽ là điểm mấu chốt quyết định thành công của chương trình” - bà Nga nhấn mạnh.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, đã có 61 Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng thành công trên cả nước.
|
|
Theo Báo Công Thương điện tử