Nằm chủ yếu ở vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai, nghề gốm truyền thống nơi đây có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Ngoài yếu tố tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của địa phương, ngành gốm còn thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.
Ngành gốm còn thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng
Đặc trưng nổi bật của sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa, Đồng Nai là sự kết hợp của men tro và chất tạo màu từ hợp kim đồng, màu men đá đỏ, gốm đất đen. Các sản phẩm gốm nơi đây mang tính thẩm mỹ cao, các họa tiết trang trí cân đối, bố cục hài hòa được nhiều nước trên thế giới biết đến. Nhờ đó, ngoài việc cung ứng cho người tiêu dùng trong nước, gốm Biên Hòa còn được xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…
Mặc dù đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường, tuy nhiên, nghề gốm Đồng Nai đang đứng trước nguy cơ bị mai một do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nguồn nhân lực có tay nghề cao ngày càng thiếu hụt; hình thức sản phẩm thiếu tính sáng tạo, đổi mới; thị trường không ổn định; khó khăn về cơ chế chính sách…
Để duy trì và phát triển nghề gốm, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quy hoạch phát triển ngành gốm mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định ngành gốm mỹ nghệ là ngành nghề truyền thống được ưu tiên khuyến khích đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, cụm công nghiệp gốm Tân Hạnh đã được hình thành và đưa vào khai thác sử dụng, trong đó, các doanh nghiệp gốm thuộc diện di dời đầu tư vào cụm công nghiệp gốc Tân Hạnh được ngân sách hỗ trợ 60% chi phí sử dụng hạ tầng.
Gốm mỹ nghệ Biên Hòa luôn giữ được nét đặc trưng của gốm sứ xưa
Cùng với đó, từ năm 2007 đến nay, Trung tâm Khuyến công tỉnh thường tổ chức các cuộc thi sáng tạo sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai. Các sản phẩm dự thi được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, đa số sản phẩm được làm bằng gốm sứ, gỗ, đá, mây tre, giấy, đất sét... Qua đó, nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mới lạ đã được các nghệ nhân sáng tạo ra. Số lượng tác phẩm nghệ thuật được làm bằng gốm sứ tham gia cuộc thi cũng có xu hướng ngày càng tăng cao qua các năm. 11 năm qua, tổng số tác phẩm gốm tham gia cuộc thi là 564 tác phẩm, có 69 tác phẩm đạt giải, chiếm 12% tác phẩm dự thi. Đặc biệt, năm 2012, sản phẩm Bình đá hoa bằng gốm của Công ty TNHH gốm mỹ nghệ XK Kim Long được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Bên cạnh đó có 3 cá nhân làm nghề gốm được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân” và 38 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Thợ giỏi”.
Thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện cho nghề gốm truyền thống của tỉnh phát triển, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ như tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gốm tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng điểm du lịch làng nghề… Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công về hỗ trợ đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất ngành gốm nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nghề gốm truyền thống ở Biên Hòa, Đồng Nai./.
Minh Vũ