Được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Công Thương, nhiều Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu ở những vùng, miền sản xuất hàng hóa lớn như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế…, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trên thị trường, ở một số thời điểm, vẫn còn tình trạng hàng hóa bị dư thừa, khó tiêu thụ. Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân vẫn phải trông chờ vào sự giải cứu của các đơn vị, tổ chức, nhóm tình nguyện đối với các mặt hàng chuối, dưa hấu, thịt lợn… Điều đó cho thấy, việc kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa còn gặp một số khó khăn, chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất và phân phối. Người sản xuất và phân phối trong nhiều trường hợp chưa thể gặp gỡ để mua - bán trực tiếp… PGS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về vấn đề này qua trao đổi với phóng viên.
PV:Thưa ông, theo dõi các hoạt động thương mại, đặc biệt là vấn đề kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng Việt ở thị trường trong nước những năm gần đây, ông có nhận xét gì?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Vấn đề nổi lên là, vai trò của thị trường nội địa trong việc thu hút, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung và đặc biệt là hàng nông sản nói riêng đặc biệt quan trọng. Trước đây có nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp như xuất khẩu gạo, xuất khẩu cá tra… chỉ chú ý nhiều đến lĩnh vực xuất khẩu, đến khi gặp khó khăn thì mới quay về thị trường nội địa nhưng khi mở được thị trường xuất khẩu thì lại quên ngay thị trường nội địa. Điều này nói lên rằng, trong tâm thức, tư tưởng, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa coi trọng đúng mức sức tiêu thụ và vai trò thị trường nội địa trong việc tiêu thụ hàng Việt.
PV: Theo ông, qua việc kết nối cho các nhà sản xuất và phân phối gặp nhau ở các hội nghị, hội chợ, triển lãm được tổ chức rộng rãi ở nhiều vùng, miền trong cả nước, tình hình tiêu thụ hàng Việt có gì chuyển biến?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Theo số liệu gần đây cho thấy, việc tổ chức các hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu được tổ chức liên tiếp ở nhiều vùng miền và các địa phương, điều đó là tốt. Tôi cho rằng, cần phải làm thêm nhiều hơn nữa hoạt động đó. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ kinh tế thì các hội chợ triển lãm được tổ chức thời gian vừa qua mới chỉ tạo được như là sự kiện rộn ràng, đáng chú ý ở địa phương nhất định nào đó. Về mặt kinh tế chỉ mang ý nghĩa tiêu thụ được một số mặt hàng hiện đang có bán ở hội chợ triển lãm, chứ chưa đi vào thực chất là hội chợ, gặp gỡ với nhau giữa nhà sản xuất, phân phối, tiêu dùng để ký được những hợp đồng dài hạn và tiêu thụ những mặt hàng bền vững.
PV: Thời gian vừa qua, trong lĩnh vực nông nghiệp, việc nông dân vẫn phải trông chờ vào sự giải cứu của các đơn vị, tổ chức, nhóm tình nguyện đối với dưa hấu, chuối, thịt lợn…, cho thấy bất cập gì, nếu chỉ xét riêng ở khâu kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, thưa ông?
PGS.TS Phạm Tất Thắng - chuyên gia thương mại
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Khi nông dân gặp khó thì cả hệ thống chính trị đã cùng đồng lòng, tập trung giải cứu sản phẩm, thực chất là giải cứu cho nông dân, giảm bớt khó khăn. Có một số bộ tham gia như Bộ Công Thương tiêu thụ 14-15 tấn dưa hấu trong đợt giải cứu, việc làm đó đáng ghi nhận. Các đoàn thể từ phụ nữ đến công đoàn, thanh niên đều tham gia giải cứu, đã đóng góp vai trò tích cực của mình. Tuy nhiên, những hành động đó chỉ thể hiện tình cảm với nông dân, chưa giải quyết được gốc gác vấn đề. Mặc dù chúng ta có giải cứu, nhưng dưa hấu vẫn còn nhiều, thịt lợn cũng vậy và sau đợt giải cứu về thịt lợn thì sức tiêu thụ gà, ngan lại chậm... Ở đây có lẽ cần đi vào giải quyết vấn đề căn cơ nhất, để chúng ta không phải giải cứu nữa. Tôi còn nhận ra gần đây, tần suất giải cứu còn dày hơn, mức độ giải cứu lan tỏa ở các vùng miền nhiều hơn và các mặt hàng từ hành tím, tỏi, dưa hấu, cá tra, thịt lợn… tất cả điều đó thể hiện hệ thống phân phối, tiêu thụ trên thị trường của chúng ta có vấn đề, cần giải quyết tận gốc.
PV: Đối với các mặt hàng nông sản, có tính mùa vụ, nhất là hoa quả các loại, chủ yếu tiêu thụ tươi như hiện nay, theo ông, làm thế nào để nông dân bán được hàng trực tiếp cho các nhà phân phân phối lớn như siêu thị, chuỗi cửa hàng, mà không cần qua khâu trung gian - mua gom của thương lái…?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Một thực tế hiện nay là nông dân phải bán qua rất nhiều khâu trung gian, dẫn tới tình trạng nhiều nông sản ta ở gốc, ở vườn thì giá rẻ, nhưng ở trong siêu thị, chợ thì giá rất đắt. Ví dụ như ở Bến Tre chỉ 10.000 -15.000 đồng một chục quả dừa, nhưng ở các siêu thị phía Bắc vẫn là 15.000 đồng một quả. Mặt hàng cá thu ở Thanh Hóa 120.000đ/kg, nhưng về đến Hà Nội lên tới 230.000-250.000/kg. Điều đó nói lên là tại gốc giá rất thấp và nơi thị trường tiêu thụ giá rất cao. Phần nông dân được hưởng theo thống kê điều tra thì có 5% lợi nhuận, còn lại rơi hết vào hệ thống trung gian. Nông dân không thể bán trực tiếp cho siêu thị, bởi vì các siêu thị, các nhà phân phối không thể nào đủ điều kiện để làm việc, thỏa thuận và kiểm tra hàng hóa với hàng nghìn nông dân được. Thứ hai là, nông dân không đủ sức mang hàng hóa đến điểm tập kết để bán cho một đầu mối. Điều đặc biệt nữa là, nông dân Việt Nam còn phải ứng phân bón, ứng thuốc trừ sâu, ứng vốn khi bắt đầu vào vụ để đến lúc thu hoạch mới trả lại. Vì vậy vai trò của thương lái với tình trạng tổ chức sản xuất như hiện nay vẫn còn là nhu cầu khách quan.
PV: Sàn giao dịch hàng hóa là hình thức được nhắc đến khá nhiều trong những năm qua và đã manh nha hình thành sàn giao dịch lúa, tôm, cà phê… nhưng chưa thu được kết quả gì đáng kể. Hiện tại vẫn có ý kiến đề xuất thành lập sàn giao dịch, ông có suy nghĩ gì về thực tế này?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Thời gian qua, nông dân tiêu thụ hàng hóa của mình trên thị trường nội địa, chịu nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt phải gánh rất nhiều loại phí khác nhau. Qua thống kế cho thấy, một quả trứng gà đưa ra thị trường phải chịu 5 lần kiểm dịch, chịu chi phí gần 200đ/quả. Một con lợn ở Tiền Giang đưa ra thị trường phải bị thu 5 loại phí khác nhau. Để nông dân không phải gánh nhiều chi phí, nên thành lập các sàn giao dịch. Không phải bây giờ chúng ta đề cập đến các sàn giao dịch, bởi đó là hệ thống phân phối hàng hóa tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam, Chính phủ và các địa phương đã có quyết định thành lập một số sàn giao dịch, ví dụ như sàn giao dịch ở Triệu Phong 10 năm hoạt động không có hàng giao dịch. Sàn giao dich cà phê Buôn Ma Thuột đầu tư 75 tỷ đồng nhưng hoạt động èo uột. Gần đây, sàn giao dịch Info Hà Nội phải đóng cửa… Ngay cả Trung tâm Giao dịch Thủy sản Cần Giờ đầu tư tới 7,5 tỷ đồng, có ngân hàng bảo trợ nhưng cũng phải chết yểu. Sàn giao dịch là hình thức giao dịch tiên tiến, chúng ta phải tiến tới, nhưng với cách tổ chức sản xuất manh mún của nông dân như hiện nay thì không sàn giao dịch nào có thể hoạt động hiệu quả được. Gần đây có một số hình thức tổ chức tương đối tốt như TH True Milk, Vingroup đã đưa trực tiếp hàng hóa từ khâu sản xuất vào trong hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối đấy có thể là của chính doanh nghiệp, có thể là các hệ thống siêu thị. Cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các tổ chức này để có thể mở rộng sang các mặt hàng khác cho nó phù hợp.
PV: Thưa ông! Để có được chuỗi liên kết vững chắc giữa sản xuất và phân phối thì có những vấn đề gì mà các địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm?
Agribank Hà Tĩnh tiêu thụ thịt lợn giúp nông dân.
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Trước hết cần phải có doanh nghiệp đủ tâm, đủ tầm làm hạt nhân để tập hợp nông dân vào xung quanh mình, để tạo nên cánh đồng lớn, một quy mô sản xuất đủ sức đáp ứng nhu cầu cả xuất khẩu và cả trong nước. Thứ hai là, chính quyền địa phương phải vào cuộc, vận động nông dân làm theo, hy sinh quyền lợi trước mắt, nhỏ bé để mưu cầu quyền lợi lâu dài và bền vững. Đặc biệt là phải giúp người dân làm giàu từ nông nghiệp. Nông dân chưa thật sự yên tâm, thật sự được cải thiện và trở nên giàu có nhờ gắn bó với rộng đất, dẫn tới tình trạng nhiều ruộng đất bỏ hoang, cho thuê… Tất cả hiện tượng này cần phải nghiên cứu thấu đáo và xử lý bài bản theo yêu cầu của thị trường.
PV: Còn việc tổ chức các hội chợ, triển lãm thì làm thế nào để đi vào thực chất hơn, thưa ông?
PGS.TS Phạm Tất Thắng: Theo tôi, thay vì chỉ tổ chức hội chợ triển lãm như sự kiện của từng địa phương, thông qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường cho các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa có sẵn, hàng hóa ứ đọng của mình, thì nên đi vào bài bản, tập trung xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối… Ví dụ, một doanh nghiệp đến hội chợ triển lãm phải đặt ra mục tiêu xây dựng được bao nhiêu cửa hàng tiện lợi, chân rết của mình để tiêu thụ được hàng hóa ở vùng nông thôn, miền núi. Hay hội chợ ở nước ngoài thì phải tập trung xây dựng cho thương hiệu nào của Việt Nam? Chuyện này phải đi vào bài bản hơn, đòi hỏi phương án rõ ràng dài hơi và có sự tham gia của nhiều bộ, địa phương, doanh nghiệp, cần phải có chuyên đề riêng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Anh Tú (thực hiện)