Lựa chọn của người tiêu dùng đã thay đổi
Phó Chủ tịch UBTƯMTTQVN, Phó trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn và sử dụng các hàng hóa có xuất xứ, nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam; các doanh nghiệp cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, mẫu mã sản phẩm hàng hóa để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng; việc cảnh báo người tiêu dùng về tình trạng hàng giả hàng nhái cũng được các cơ quan quản lý nhà nước triển khai rất hiệu quả.
Bà mong muốn, tới đây, từ khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ chuyển thành “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, chứ không chỉ “ưu tiên” nữa...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong năm 2017, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam với nhiều hành động cụ thể như tăng cường tuyên truyền, triển khai các đề án tổ chức hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thực hiện XTTM phát triển thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối, hệ thống bán lẻ ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn.
Triển khai chương trình bình ổn thị trường, tăng cường các hoạt động khuyến công, tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định, vẫn còn một số hạn chế như các sản phẩm sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài, đặc biệt là hàng hóa ASEAN khi cộng đồng AEC đã thành lập cuối năm 2015.
Ông đánh giá, sự phối hợp giữa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt và các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp chưa tích cực và chủ động tham gia cuộc vận động. Trong hai năm gần đây, hoạt động đầu tư thông qua hình thức M&A (mua bán và sáp nhập) gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm có chiều hướng gia tăng.
Bảo vệ hàng Việt cách nào?
Để vừa bảo vệ sản xuất và hàng hóa trong nước mà không vi phạm các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia, ông Đỗ Thắng Hải đưa giải pháp: Về phía Nhà nước, sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về và có liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ đến mức tối đa quyền và lợi ích mà Việt Nam đã đạt được trong cam kết quốc tế; Hạn chế tối đa việc xem xét, cấp phép cho cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp FDI được bán lẻ những mặt hàng ta không cam kết...
Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.
Đối với cơ sở bán lẻ của hộ kinh doanh ở các khu dân cư, khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thương hiệu đủ mạnh đứng ra tập hợp, liên kết các cửa hàng thực phẩm và tạp hóa hiện hữu (của hộ gia đình có nhà ở mặt tiền), hỗ trợ họ nâng cấp trang bị, thay đổi phương thức quản lý, cung cách phục vụ để hướng các cửa hàng này chuyển thành cửa hàng tiện lợi theo mô hình chuỗi thông qua phương thức nhượng quyền thương mại hoặc đầu tư trực tiếp…
“Phát triển bền vững để không gây hậu quả cho thế hệ mai sau”
Doanh nhân Việt Nam từ xưa đến nay đã dần khẳng định vị trí, đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, là “thằng bán tơ” trong truyện Kiều, là “mụ Lường” trong kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam, là đối tượng trong các cuộc cải tạo công thương nghiệp, là “con buôn”, “con phe” trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, những người làm kinh doanh đã tìm lại được tên mình trong 2 chữ “doanh nhân” trong thời đại mới. Nói thế để thấy sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân trong lòng dân tộc là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới ở nước ta những năm qua.
Những nỗ lực làm giàu cho chính mình, để đóng góp cho phồn vinh của quốc gia thực sự rất đáng trân trọng, khi mà giới doanh nhân ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ sự bất ổn chính trị tại nhiều quốc gia, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, hay những hiện tượng khí hậu cực đoan. Chính những thách thức này đã đặt ra cho tất cả các quốc gia trên thế giới một bài toán – làm thế nào để sự phát triển ngày hôm nay sẽ không để lại hậu quả cho thế hệ mai sau? Câu trả lời không gì khác, chính là “phát triển bền vững”. Minh chứng là năm 2015 Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững đã được 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thông qua, trong đó có Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa, giới doanh nhân Việt Nam giờ đây sẽ không chỉ phải “làm giàu” mà còn phải làm giàu một cách nhân văn hơn, bền vững hơn, theo đúng “luật chơi” chung của cộng đồng DN khu vực và thế giới. (Phó Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh).
Nguồn Laodong