Thứ Hai, 25/11/2024 07:00:55 GMT+7
Lượt xem: 876

Tin đăng lúc 29-05-2024

Gỡ nút thắt trong phát triển cụm công nghiệp ở Thái Nguyên

Khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính là nguyên nhân gây khó khăn cho Thái Nguyên trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Do đó, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên hiện đang tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 32 nhằm tháo gỡ vướng mắc trong phát triển cụm công nghiệp.
Gỡ nút thắt trong phát triển cụm công nghiệp ở Thái Nguyên
Nghị định số 32 ra đời và có hiệu lực đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên hiện có 27/41 cụm công nghiệp (CCN) có chủ đầu tư hạ tầng, trong đó 11 CCN đã đi vào hoạt động gồm: Sơn Cẩm 3, Cao Ngạn 1, Trúc Mai, Cây Bòng, Điềm Thụy, Kha Sơn, Nguyên Gon, Khuynh Thạch, Số 3 cảng Đa Phúc, An Khánh 1 và Phú Lạc 2. Các CCN này đã thu hút 62 dự án đầu tư.

 

Theo đánh giá của ngành Công Thương Thái Nguyên, việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đã tạo quỹ đất sạch, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện dự án sản xuất - kinh doanh; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư sản xuất theo hướng tập trung, tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc thành lập và phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân.

 

Cụ thể, bên cạnh các CCN đã đi vào hoạt động, Thái Nguyên hiện còn một số CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng nhưng chưa thể hoạt động do còn vướng mắc. Tiến độ xây dựng nhiều CCN còn chậm, chưa đảm bảo mặt bằng sạch để mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp (như: CCN Bá Xuyên, CCN Sơn Cẩm 1, CCN Sơn Cẩm 3…). Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong công tác thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

 

Một vướng mắc khác là tiến độ các dự án liên quan ngoài hàng rào CCN không đồng bộ với tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, một số chủ đầu tư hạ tầng CCN năng lực yếu, nguồn lực hạn chế, thiếu vốn. Đối với các CCN được quy hoạch tại miền núi, vùng cao, công tác thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng càng gặp nhiều khó khăn.

 

Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (Nghị định số 32) có hiệu lực từ ngày 1/5/2024 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 32 là quy định chi tiết việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các CCN mới thành lập.

 

Cụ thể, ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm (ưu tiên hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng bảo vệ môi trường các cụm đã đi vào hoạt động; các công trình hạ tầng kỹ thuật chung thiết yếu của cụm tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cụm phát triển theo hướng liên kết ngành, chuyên ngành, hỗ trợ, sinh thái, bảo tồn nghề truyền thống) theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước.

 

Về mức hỗ trợ, “Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong cụm. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của CCN”.

 

Đối với những CCN đang hoạt động, Nghị định số 32 quy định hỗ trợ phát triển cụm thông qua nội dung: Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hoạt động phát triển CCN do địa phương thực hiện gồm: Tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư CCN; điều tra, khảo sát các tổ chức, cá nhân có nhu cầu di dời, đầu tư vào cụm; lập, thẩm định thành lập, mở rộng cụm; hỗ trợ kinh phí lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt máy móc, dây chuyền thiết bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trong làng nghề, khu dân cư di dời vào trong CCN, CCN làng nghề. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định...

 

Không chỉ quy định về ưu đãi, tạo dư địa phát triển các CCN, Nghị định số 32 còn kịp thời tháo gỡ khó những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về thành lập mới CCN. Đơn cử như Nghị định đã giao UBND cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật quyết định việc điều chỉnh nội dung/bãi bỏ quyết định thành lập, mở rộng CCN cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 

Ngoài ra, Nghị định còn tiếp tục quy định chuyển tiếp về xử lý thành lập CCN hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp và năng lượng (Sở Công Thương) cho biết Nghị định số 32 ra đời và có hiệu lực đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về phát triển các CCN trong tỉnh. Vì vậy, Sở Công Thương hiện đang tích cực triển khai thực hiện Nghị định số 32.

 

Cụ thể, Sở đã ban hành công văn số 998-SCT-ATMT, ngày 08/04/2024 về việc phối hợp triển khai thực hiện Nghị định số 32 gửi đến các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn tỉnh để nắm bắt và triển khai thực hiện; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, chủ đầu tư hạ tầng CCN về việc triển khai thực hiện Nghị định số 32; đồng thời tham mưu cho tỉnh kiện toàn thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định hiện hành....

 

An Nhi


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang