Theo đó, 15 làng nghề đã được UBND TP công nhận danh hiệu, gồm: 4 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”; 11 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”; 104 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội cho biết: Năm 2023, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố; Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan triển khai xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, làng nghề truyền thống” Hà Nội và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 cấp Thành phố, kết quả đã công nhận 15 làng nghề, làng nghề truyền thống, đưa tổng số làng nghề của Hà Nội được công nhận đến nay là 327 làng nghề, làng nghề truyền thống.
Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT, quận, huyện tham dự Hội nghị
Năm 2023, Thành phố chứng nhận 544 sản phẩm OCOP, vượt kế hoạch năm 2023 (KH giao 400 sản phẩm). Trong đó có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao, của 200 chủ thể (50 doanh nghiệp, 36 HTX, 114 hộ kinh doanh). Tổng số đến nay, thành phố Hà Nội đã có 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó có 06 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP. Ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước và được gọi là “Đất trăm nghề”, có tới 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, với 1.350 làng nghề, trong đó có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận.
Bên cạnh các làng nghề, Hà Nội hiện có 1.090 HTX nông nghiệp đang hoạt động; có 1.695 trang trại; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; với hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trên 13.353 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode). Cùng với đó là hàng nghìn sản vật nông nghiệp nức tiếng xưa nay, đây là những nguồn lực thực tiễn, là điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua và những năm tiếp theo.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT trao Bằng công nhận làng nghề cho đại diện 15 làng nghề
Hà Nội xác định phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công, nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Để thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển ngành nghề nông thôn, duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Sở NN & PTNT đề nghị các Sở, ngành Thành phố liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện các nội dung, nhằm tạo điều kiện phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội trong việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề gắn với triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề.
Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội thăm quan các sản phẩm OCOP, động viên, khích lệ các chủ thể
Các đơn vị có liên quan của Sở NN&PTNT hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, của Thành phố về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn, phát triển làng nghề; hướng dẫn các địa phương rà soát xây dựng hồ sơ đề nghị xét công nhận danh hiệu “làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội, góp phần đưa Chương trình 04 của Thành ủy về đích trước 01 năm, với mục tiêu năm 2024 tham mưu Thành phố công nhận danh hiệu “làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội cho 26 làng nghề. Đặc biệt là quan tâm đến việc xây dựng phương án Bảo vệ môi trường cho làng nghề.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội đánh giá cao tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của các chủ thể, tạo cho các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, khẳng định được vị thế, thương hiệu sản phẩm OCOP của thành phố
Giám đốc Sở NN&PTTN Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá, hỗ trợ để trình Thành phố công nhận các làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định; quy hoạch để đưa các hộ sản xuất ra cụm công nghiệp làng nghề, góp phần bảo vệ môi trường làng nghề ngày càng bền vững, gắn việc bảo tồn và phát triển làng nghề đi đôi với phát triển du lịch ở địa phương.
Triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn mình quản lý đảm bảo đúng duy định; phấn đấu thực hiện Chương trình OCOP hoàn thành mục tiêu trước 01 năm so với Kế hoạch của UBND Thành phố, nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội và các ngày lễ lớn của đất nước, của Thành phố trong năm 2024 (hoàn thành trước 31/8/2024). Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND Thành phố công nhận, tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề, chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm của làng nghề ở trong nước và quốc tế.
Tham dự Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa nông trại Ba Vì, đơn vị có 10 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao năm 2023 cảm thấy rất tự tin khi đưa sản phẩm gắn sao OCOP ra thị trường.
Các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo hướng liên kết phát triển sản phẩm bền vững theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Minh Ngọc