Thứ Sáu, 22/11/2024 06:18:24 GMT+7
Lượt xem: 7392

Tin đăng lúc 19-09-2017

Hà Nội đề xuất chính sách hỗ trợ trong xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn

Sở Công Thương Hà Nội đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn để thực hiện đúng Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố.
Hà Nội đề xuất chính sách hỗ trợ trong xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn
Ảnh minh họa

Theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thành phố có 8 chợ đầu mối. Để thực hiện đúng Quy hoạch, Sở Công Thương Hà Nội đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối nông sản an toàn.

 

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn toàn Thành phố hiện có 2 chợ đầu mối. Trong đó, chợ đầu mối phía Nam ở Khu đô thị Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) có diện tích 23.400 m2, với 468 hộ chuyên kinh doanh rau, củ, quả. Chợ đầu mối Minh Khai (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) có diện tích 30.000 m2, với 1.000 hộ chuyên kinh doanh rau, củ, quả và thịt gia súc, gia cầm.

 

Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố có 6 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối gồm: Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín), chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ), chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai), chợ Văn Quán (quận Hà Đông).

 

Theo Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố có 8 chợ đầu mối, trong đó, đã có 2 chợ và phát triển thêm 6 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng, diện tích từ 20-30 ha/chợ.

 

Trên cơ sở các vị trí quy hoạch xây dựng chợ, Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố lựa chọn 1 đến 2 đơn vị, địa điểm đầu tư xây dựng chợ đầu mối trình HĐND thành phố thông qua danh mục dự án thu hồi đất. Từ đó làm căn cứ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng từ nguồn ngân sách nhà nước, tạo quỹ đất sạch; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chợ (tại vùng nông thôn); tiền thu từ đấu giá hoàn trả ngân sách nhà nước.

 

Để giải quyết thực trạng hoạt động đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn Thành phố, Sở Công Thương tham mưu UBND Thành phố kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012. Trong đó, chính quyền Thủ đô được quyết định tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trong phát triển kinh tế Thủ đô, trong một số lĩnh vực dân sinh vượt mức quy định chung áp dụng toàn quốc.

 

Đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công năm 2014 theo hướng cho phép áp dụng cơ chế vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước được bố trí để chuẩn bị đầu tư và thực hiện các dự án hạ tầng kinh tế-xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được.

 

Tùy điều kiện của địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định danh mục dự án hạ tầng kinh tế-xã hội không có khả năng hoàn vốn trực tiếp hoặc không xã hội hóa được; làm căn cứ tạm ứng từ nguồn ngân sách thành phố hoặc từ nguồn huy động theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để đầu tư cho các dự án hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách. Sau đó, tổ chức đấu giá quyền sử dụng, quyền khai thác, quyền thuê để thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn huy động.

 

Ở diễn biến có liên quan, vào ngày 29/8 vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng năm 2017.

Hội nghị nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xúc tiến thương mại, nông nghiệp; tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm đặc trưng; rau, hoa, trà, cà phê, đặc sản của tỉnh Lâm Đồng được gặp gỡ, trao đổi và kết nối cung cầu với các doanh nghiệp, nhà phân phối, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị,... trên địa bàn TP. Hà Nội.

Qua đó giới thiệu đến người tiêu dùng trên địa bàn các tỉnh, thành phố về các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và nhân dân Lâm Đồng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từng bước khắc phục tình trạng được mùa mất giá.

Hội nghị là một trong những hoạt động Xúc tiến có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự cam kết, nỗ lực của hệ thống xúc tiến thương mại của Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng cùng nhau chung tay, góp phần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động  hợp tác về xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp làm tốt việc cung ứng hàng hóa giữa 2 địa phương, đặc biệt là đưa được các nông sản sạch, an toàn về tiêu thụ tại Hà Nội và phục vụ xuất khẩu, góp phần thực hiện tốt phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.  

 

Nguồn Vietq.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang