Thứ Sáu, 22/11/2024 06:55:06 GMT+7
Lượt xem: 6363

Tin đăng lúc 10-04-2016

Hà Nội: Hàng Việt được người tiêu dùng tin tưởng

Người tiêu dùng đã ý thức hơn trong lựa chọn các sản phẩm nội địa khi mua sắm. Tỷ lệ sử dụng hàng Việt tại công sở, doanh nghiệp tăng rõ rệt, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Hà Nội: Hàng Việt được người tiêu dùng tin tưởng
Ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt

Đây là đánh giá của bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội, Phó Trưởng ban Cuộc vận động của thành phố về kết quả triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong quý I/2016.

 

Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, quý I/2016, Ban chỉ đạo TP. Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến kiến thức về quyền lợi người tiêu dùng và Luật Bảo vệ người tiêu dùng; phổ biến cho người tiêu dùng cách nhận biết chất lượng sản phẩm; tuyên truyền doanh nghiệp, tập thể, cá nhân thực hiện tốt cuộc vận động; kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai …

 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành và tổ chức triển khai các kế hoạch của ngành với mục tiêu chuẩn bị tốt nhất điều kiện để mọi người dân trên địa bàn thành phố được tiếp cận với nhiều mặt hàng giá ổn định, an toàn vệ sinh thực phẩm, như: Tổ chức hội nghị với 30 quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp, ban quản lý chợ trên địa bàn để quán triệt và triển khai các kế hoạch nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

 

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội, tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tổng lượng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố đạt khoảng 21.600 tỷ đồng; toàn thành phố tổ chức 47 hội hoa xuân, chợ nông sản thực phẩm, hội chợ xuân; tổ chức 9 trung tâm bán hàng phục vụ Tết tại 9 huyện, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân với quy mô từ 60 - 70 gian hàng/điểm; tổ chức 184 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã; triển khai bán hàng bình ổn giá tại 1.165 điểm bán hàng.

 

UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã giới thiệu 65 địa điểm để doanh nghiệp tổ chức địa điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân, đồng thời phối hợp với sở, ban, ngành, doanh nghiệp đưa hàng Việt về vùng xa trung tâm: 38 gian hàng Việt về xã Tản Lĩnh, Ba Vì, 60 gian hàng về xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, 48 gian hàng về huyện Thanh Trì… “Thông qua hoạt động tuyên truyền, tổ chức, Cuộc vận động đã tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm” - bà Lê Thị Kim Oanh chia sẻ.

 

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố hướng đến hết năm 2016 là 100% người dân và doanh nghiệp biết đến cuộc vận động. Do vậy, từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP. Hà Nội, các sở, ban, ngành, tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền đến doanh nghiệp, người tiêu dùng với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng; tuyên truyền cuộc vận động gắn với vấn đề hội nhập kinh tế thế giới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, coi việc tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng là nhiệm vụ chính trị… Sở Công Thương tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp, hộ sản xuất  - kinh doanh quy trình khai xuất xứ hàng hóa, xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm.

 

 

Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình bình ổn giá đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Dự kiến, khoảng 500 chuyến bán hàng lưu động, 28 phiên chợ Việt và Tuần hàng Việt được tổ chức.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang