Cụ thể, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đã được trình hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, huyện Thanh Oai đã hoàn thiện hồ sơ và trình Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố; các huyện Thường Tín, huyện Đan Phượng đang hoàn thiện báo cáo thẩm tra theo quy định.
Đối với cấp xã, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hà Nội hiện có 8/8 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong 9 tháng qua, thành phố đã huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 26.640,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 35,2%; ngân sách huyện chiếm 57,9%%; ngân sách xã chiếm 1,7% và vốn ngoài ngân sách Nhà nước chiếm 5,2%.
Những điểm sáng trong quá trình xây dựng huyện NTM nâng cao
Huyện Thanh Trì: Năm 2015, toàn huyện Thanh Trì có 15/15 xã được UBND TP công nhận xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%); năm 2017, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về xây dựng NTM nâng cao, Huyện Thanh Trì đã quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn Đề án đầu tư xây dựng Huyện thành Quận gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, 15/15 xã của Huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thị trấn Văn Điển được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, trong đó, 02 xã Yên Mỹ và Đại Áng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện.
Ngày 18/5/2023, Huyện Thanh Trì tổ chức lễ đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho 15/15 xã, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025
Huyện cơ bản đạt 09/09 tiêu chí xây dựng Huyện nông thôn mới nâng cao. Có 08 xã được UBND Thành phố công nhận điểm du lịch: Đại Áng, Yên Mỹ, Tam Hiệp, Duyên Hà, Thanh Liệt, Vạn Phúc, Đông Mỹ, Tân Triều và 1 làng nghề Hà Nội. Huyện đã đạt 32/34 tiêu chuẩn thành lập Quận theo quy định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Công tác tuyên truyền văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi động tạo không khí vui tươi phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, 100% các thôn đều có điểm sinh hoạt văn hóa và được đầu tư trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư. Hệ thống chính trị trên địa bàn được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, 100% cơ sở đều đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Huyện Đông Anh: Những năm qua, huyện Đông Anh tiến hành cùng lúc 2 nhiệm vụ: Xây dựng NTM nâng cao và xây dựng huyện thành quận và trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế – xã hội ở vùng phía Bắc sông Hồng. Tính đến cuối năm 2023, Đông Anh đã đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao; toàn huyện đã có 20/23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 05/23 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong năm 2024 này, 100% xã của huyện Đông Anh sẽ đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Quá trình xây dựng NTM và xây dựng thành quận, huyện Đông Anh luôn lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phấn đấu. Đến nay, 99,78% số dân của huyện hài lòng về kết quả xây dựng NTM và NTM nâng cao ở địa phương.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đông Anh đã phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của Nhân dân, tích cực triển khai các cuộc vận động, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, huy động được tối đa các nguồn lực trong Nhân dân
Để xây dựng NTM nâng cao thành công, huyện Đông Anh đã tuyên truyền, vận động và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân. Đến nay, thu nhập bình quân của huyện Đông Anh đạt gần 74 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ thôn, làng văn hóa được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa là 153/155 (đạt 98,7%). Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa là 95,7%. 100% thôn, làng có nhà văn hóa, khu thể thao. 100% trạm y tế cơ sở đạt và giữ vững danh hiệu chuẩn Quốc gia. Trên 88% trường học công lập trên địa bàn huyện đạt chuẩn Quốc gia… Các di sản văn hóa trên đại bàn huyện luôn được giữ gìn và phát huy. Phong tục, tập quán đẹp của địa phương luôn được giữ gìn, tiêu biểu là phong tục thờ phụng vua An Dương Vương và các vị tướng có công với dân, với nước.
Huyện Gia Lâm: Theo báo cáo của huện Gia Lâm tại Hội thẩm định huyên NTM nâng cao ngày 17/10/2023, tính đến hết năm 2022, Huyện Gia Lâm có 15 xã, chiếm 75% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 15% số xã; 2 thị trấn: Trâu Quỳ và Yên Viên được UBND huyện công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị.
Đối với 9 tiêu chí của huyện NTM nâng cao, Huyện đều đạt mức điểm 98/100 điểm (tự chấm). Đời sống nhân dân trên địa bàn huyện ngày một nâng cao; không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đạt 71,7 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện có 20.038/27.450 lao động được đào tạo; hầu hết lao động đều có việc làm.
Gia Lâm đã hoàn thành 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, với 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gồm Cổ Bi, Phù Đổng, Dương Xá, Bát Tràng, và Ninh Hiệp. Huyện đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt đối với 3 xã Yên Thường, Văn Đức và Đa Tốn trong năm 2024. Đồng thời, việc chuẩn bị hồ sơ công nhận huyện nông thôn mới nâng cao và hồ sơ Đề án thành lập quận đang được đẩy nhanh tiến độ.
Bên cạnh đó, huyện Gia Lâm có 95,1% người dân tham gia bảo hiểm y tế; có 122 thôn làng được công nhận làng văn hóa; 100% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển; 100% số hộ được sử dụng nước sạch. Huyện có 01 bệnh viện đa khoa, 01 trung tâm y tế; 20/20 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 75/78 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 96,1%…
Đặc biệt, xây dựng NTM nâng cao gắn với thực hiện tiêu chí quận, UBND huyện xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng. Đến cuối năm 2023 , 5/5 dự án đã được phê duyệt, toàn bộ hệ thống sẽ được hạ ngầm, chiếu sáng được sử dụng bóng đèn Led. Huyện thực hiện duy trì thường xuyên, bảo đảm 100% hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường được thắp sáng... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Huyện Hoài Đức: Với quyết tâm và nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Hoài Đức, đến hết năm 2023, huyện Hoài Đức có 16/19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao(chiếm tỉ lệ 84,2%), 3/19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, hoàn thành 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025.
Qua quá trình xây dựng NTM, 19 xã trên địa bàn hiện có 774,51km đường giao thông gồm 75,95 km đường trục xã, liên xã,102,87km đường trục thôn, liên thôn, 295,77km đường ngõ xóm và 284,57km đường trục chính nội đồng đã được đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí giao thông.
Năm 2024, huyện Hoài Đức tiếp tục đặt mục tiêu có thêm ba xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, gồm Song Phương, Vân Côn, Dương Liễu và bốn xã Sơn Đồng, Đức Thượng, Kim Chung, An Khánh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện đã đối ứng đầu tư mở mới nhiều tuyến đường liên khu vực, đường trục huyện như: đường LK1, LK6, LK8, ĐH 03, ĐH 04, ĐH 06… để kết nối giữa các khu vực của huyện và các địa phương lân cận. Đồng bộ các tuyến đường có hành lang cho người đi bộ; các tuyến đường, trục đường đều được trồng cây xanh, có đầy đủ hạng mục phụ trợ.
Kết quả xây dựng huyện NTM nâng cao đã tạo tiền đề và là động lực vững chắc để Hoài Đức hoàn thành các tiêu chí còn thiếu trên hành trình trở thành quận; phấn đấu đưa Hoài Đức trở thành quận “Xanh - Văn minh - Hiện đại” trong tương lai gần.
Trong hơn 3 năm thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU (từ năm 2021 đến nay), thành phố Hà Nội đã huy động được 83.087 tỷ đồng để hiện thực hóa các mục tiêu. Thành phố cũng có các chương trình hỗ trợ triển khai thực hiện, như: Chương trình đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục - y tế - văn hóa, với tổng kinh phí 49.203,4 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ 13 xã dân tộc với tổng kinh phí là 2.664,09 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với từng sở, ngành đều có các dự án đầu tư trên địa bàn các xã. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, có 10 quận của thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí lên tới 917 tỷ đồng. |
Minh Ngọc
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội