Sự phát triển của làng nghề đã tác động không nhỏ đến các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tại các địa phương.
Khi nhắc đến các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội không thể không nhắc đến làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) – một ngôi làng cổ với gốm sứ nức tiếng xa gần với đội ngũ nghệ nhân được công nhận là lớn nhất trên cả nước. Từ xa xưa, nơi đây đã nổi tiếng với việc sản xuất ra những viên gạch chất lượng. Kinh thành Thăng Long cũng đã được xây dựng từ loại gạch này. Rồi sau đó, những sản phẩm như ấm chén, bát đĩa được các nghệ nhân Bát Tràng thổi hồn trở thành những sản phẩm truyền thống mang giá trị cao. Tuy nhiên, Bát Tràng cũng có thời kì chật vật trước thay đổi của thị trường dẫn đến việc không còn đảm bảo công việc cho các nghệ nhân trong làng. Các nghệ nhân ngoài tài năng và tâm huyết còn phải không ngừng sáng tạo để đổi mới, kịp thích nghi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Không chỉ riêng Bát Tràng, nhiều làng nghề khác của Hà Nội cũng rơi vào tình trạng khó khăn do phải đối mặt với sự cạnh tranh sản phẩm và thị trường, trong khi, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chủ yếu là nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, ít vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý sản xuất. Mặt khác, một số hạn chế còn tồn tại trong việc phát triển các làng nghề như vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chưa được quan tâm đúng mức, lao động có tay nghề còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chủ động…
Để các làng nghề tại Thủ đô tiếp tục phát triển, UBND thành phố đã có nhiều giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, mở ra những hướng đi mới cho việc duy trì, phát triển các làng nghề đang tồn tại, trong đó đặc biệt quan tâm đến lớp nghệ nhân trẻ - đội ngũ kế thừa, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương: Để tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã chỉ đạo, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề; mở rộng sản xuất tại các cụm, điểm công nghiệp làng nghề nông thôn. Năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với từng địa phương tổ chức 47 lớp truyền nghề, cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.650 lao động nông thôn. Đây là nơi để các nghệ nhân và những người thợ thủ công tạo nên sức sống cho làng nghề. Thành phố cũng đang tập trung xây dựng chương trình OVOP - "Mỗi làng một sản phẩm", trong đó đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển làng nghề, nâng cao đời sống người dân.
Có thể nói, làng nghề truyền thống chính là nguồn di sản văn hóa phi vật thể phong phú, thông qua đó góp phần nâng cao tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ mai sau. Việc bảo tồn và phát huy làng nghề không chỉ giữ gìn bản sắc dân tộc mà còn đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.
Ngọc Bích