Ðể đạt được mục tiêu này, ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, DN làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; Tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm; Phát triển hệ thống thương mại điện tử, truy xuất thông tin hàng hóa, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến sản phẩm CNNT. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ DN nhỏ sử dụng nhiều lao động, DN đầu tư công nghệ, có sản phẩm thân thiện với môi trường.
Được biết, từ nay đến cuối năm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội sẽ tổ chức 12/16 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở CNNT về quản trị DN, thiết kế mẫu mã, marketing, kinh nghiệm xuất khẩu...; hỗ trợ 14 cơ sở CNNT đầu tư, đổi mới máy móc, thiết bị sản xuất; tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng; Tổ chức chuỗi sự kiện kết nối "Mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành mây tre đan, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ TP. Hà Nội năm 2020".
PV