Cũng theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Tĩnh, từ năm 2014 – 2018, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã thực hiện 8 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất với kinh phí thực hiện là hơn 2,2 tỷ đồng. Các đề án này đã thu hút tới hơn 108 tỷ đồng vốn đối ứng từ các đơn vị thụ hưởng. Tức là cứ 1 đồng vốn hỗ trợ thì hút được tới gần 50 đồng vốn đối ứng. Trung tâm Khuyến công cũng hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất cho 47 cơ sở với tổng kinh phí lên tới hơn 7,3 tỷ đồng.
Đơn của như trường hợp của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Hải Hà (huyện Lộc Hà) đã nhận được 800 triệu đồng vốn hỗ trợ đầu tư máy móc hiện đại trong sửa chữa tàu biển. Nguồn vốn đầu tư kịp thời đã giúp HTX nâng cao được năng suất sửa chữa tàu, thuyền lên tới trọng tải 2.000 tấn thay vì chỉ ở mức 400 – 500 tấn như trước đây. Đại diện của HTX này cho biết, nguồn vốn hỗ trợ không những giúp đơn vị thụ hưởng nâng cao năng lực sửa chữa mà còn góp phần tạo ra nguồn vốn quay vòng ổn định để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Tĩnh cho hay, phần lớn nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án khuyến công như xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Nguồn kinh phí khuyến công đã kịp thời khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Sở Công Thương Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ hiện đại vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Hà Tĩnh có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (có cảng biển, nhiều nghề truyền thống). Tuy nhiên, năng lực về vốn và tư duy sản xuất kinh doanh còn hạn chế đang làm những rào cản lớn khiến rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn không thể tận dụng lợi thế. Các doanh nghiệp này hầu như đều có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, không đủ vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại, phải dùng máy móc cũ để vận hành, dẫn đến việc không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ từ các chương trình khuyến công.
Để giúp các doanh nghiệp nhỏ khắc phục khó khăn về vốn, năm 2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt trên 2,7 tỷ đồng triển khai công tác khuyến công trong đó ưu tiên dành vốn triển khai 10 đề án hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh cũng đang huy động tối đa các nguồn lực đầu tư vào sản xuất công nghiệp nông thôn; lồng ghép khuyến công với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm tăng nguồn vốn cho chương trình; huy động vốn từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
“Hy vọng, với các giải pháp đã xây dựng, công tác khuyến công sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, nhằm mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển”, ông Nguyễn Mạnh Tường cho biết.
Minh Châu