Thứ Sáu, 22/11/2024 22:51:20 GMT+7
Lượt xem: 1578

Tin đăng lúc 19-05-2020

Hà Tĩnh: Dồn sức đầu tư cho mô hình điểm công nghiệp nông thôn

Mới đây, trong dịp đầu tháng 4, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt 2,08 tỷ đồng kinh phí thực hiện hoạt động khuyến công địa phương năm 2020. Đây được coi là nguồn lực quan trọng để Hà Tĩnh tập trung xây dựng thành công mô hình điển hình công nghiệp nông thôn (CNNT).
Hà Tĩnh: Dồn sức đầu tư cho mô hình điểm công nghiệp nông thôn
Sản xuất đồ gỗ tại Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên

Trong một số năm trở lại đây, Hà Tĩnh đang là địa phương thực hiện chương trình khuyến công quốc gia rất hiệu quả. Giai đoạn 2014 – 2019, tổng kinh phí hỗ trợ khuyến công của tỉnh là trên 18,2 tỷ đồng. Năm nay, nét mới của chương trình khuyến công Hà Tĩnh chính là việc xây dựng hai mô hình tiêu biểu CNNT gồm: Chuỗi sản phẩm từ gạo lứt Omega An Phát của Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Phát (huyện Thạch Hà) và Sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên (huyện Đức Thọ).

 

Theo đánh giá từ lãnh đạo tỉnh, hai mô hình này dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đã cho hiệu quả kinh tế rất khả quan, tạo nhiều việc làm cho người lao động và có khả năng nhân rộng cao. Công ty TNHH Sản xuất thương mại An Phát ra mắt từ nửa cuối năm 2019 nhưng đến nay đã cung cấp khoảng 40 tấn sản phẩm gạo lứt Omega mỗi tháng, tiêu thụ trên 63 tỉnh, thành cả nước.

 

Đi vào hoạt động từ tháng 10/2019, Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thái Yên đạt doanh thu 400 triệu đồng chỉ trong 2 tháng đầu năm nay. Công ty hiện đang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vật dụng gia đình, đồ chơi, quà tặng lưu niệm… từ gỗ, với sản lượng 10.000 – 15.000 sản phẩm/tháng. Thị trường chính hiện nay của Công ty là gia công cho các đối tác xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và tiêu thụ nội địa.

 

 

Chương trình khuyến công địa phương nhằm hỗ trợ nguồn vốn để tạo ra sản phẩm có chất lượng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. 

 

Để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng và tạo sức bật cho các doanh nghiệp này mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã ưu tiên tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Để xây dựng 2 doanh nghiệp này trở thành các mô hình CNNT điển hình, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành triển khai ngay những giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để mở rộng phát triển sản xuất.

 

Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí khuyến công năm 2020 cho 2 doanh nghiệp trên. Ngoài ra cả hai doanh nghiệp đều sẽ được hỗ trợ để tiếp cận, mở rộng thị trường; kết nối với các chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm buôn bán; tham gia hội chợ, sự kiện kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ; hoàn thiện mô hình sản xuất sạch hơn, đảm bảo môi trường và tiết kiệm năng lượng.

 

Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ cũng hỗ trợ 2 doanh nghiệp này nâng cấp, đổi mới dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất phù hợp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, liên kết với DN, hợp tác xã, hộ gia đình vùng nguyên liệu tạo mạng lưới cung cấp ổn định…

 

Cùng với sự trợ giúp của chính quyền, 2 doanh nghiệp cũng đang tích cực chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình CNNT điển hình. 

 

Phương Lê


Tag:Hà Tĩnh

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang