Khẳng định thương hiệu vững mạnh
Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro) kinh doanh chính trong lĩnh vực xuất khẩu với trọng tâm là hàng nông sản thực phẩm; kinh doanh thương mại nội địa gồm: Phát triển chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood, bán buôn, bán lẻ; sản xuất hàng xuất khẩu và một số mặt hàng phục vụ hệ thống phân phối của Tổng công ty,... Trong đó, một số thương hiệu kinh doanh thuộc hệ thống của Hapro được nhiều người tiêu dùng trong nước ưa chuộng và biết đến như Gốm Chu Đậu, Thủy Tạ, Thực phẩm Hà Nội, Vang Thăng Long,... Thời gian qua, ban Lãnh đạo Tổng công ty luôn chú trọng đến việc phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại dịch vụ lớn của Thủ đô Hà Nội.
Với định hướng chung trong việc phát triển hệ thống bán lẻ, ngoài việc phát triển mới các minimart mang thương hiệu Haprofood by BRGMart, Tập đoàn BRG đã hoàn thành việc chuyển đổi các thương hiệu bán lẻ do Tập đoàn đang quản lý như Hapromart, Intimex, Seikamart thành BRGMart. Trước khi hợp nhất thành thương hiệu BRGMart, các thương hiệu như Hapromart, Intimex, Seikamart đều là những thương hiệu bán lẻ có uy tín trên thị trường. Việc hợp nhất này sẽ tạo ra một hệ thống siêu thị BRGMart lớn mạnh, hiện đại và thống nhất về mặt nhận diện, phong phú về chủng loại hàng hóa và thuận tiện về mặt địa điểm rộng khắp; đảm bảo cho người tiêu dùng nhiều tiện nghi, hàng hóa và dịch vụ tốt hơn.
Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Hapro (bên trái) nhận biểu trưng Thương hiệu Quốc gia năm 2020
Bên cạnh mục tiêu trở thành một trong những hệ thống bán lẻ đa ngành hàng đầu tại Hà Nội, thời gian tới, Hapro sẽ tiếp tục tập trung củng cố và phát triển một số thương hiệu của Tổng công ty, trong đó có chuỗi cửa hàng dịch vụ ăn uống Hapro Bốn Mùa, bên cạnh đó là việc xây dựng định hướng phát triển cho hệ thống dịch vụ, sản xuất của mang thương hiệu Thủy Tạ.
Xác định lấy xuất khẩu làm trọng tâm
Là Tổng công ty hoạt động đa ngành, lấy xuất khẩu làm trọng tâm, kể từ khi hình thành và phát triển, đặc biệt là sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hóa và trở thành thành viên của Tập đoàn BRG, thương hiệu Hapro đã và đang khẳng định là thương hiệu xuất khẩu mạnh với thị trường tại gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt hàng trăm triệu USD, tập trung vào các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến và thủ công mỹ nghệ,…
Để có được thành công trong hoạt động xuất khẩu, thời gian qua, cùng sự định hướng của Tập đoàn BRG, Hapro đã tập trung thực hiện và đẩy mạnh các giải pháp như: Luôn quan tâm hướng tới việc xây dựng thị trường; củng cố các mối liên hệ với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, cơ quan thương vụ của Việt Nam tại các nước, từ đó thúc đẩy đưa hàng hóa vào thị trường quốc tế; tăng cường giới thiệu và chào bán các sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam như gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, dược liệu, thủ công mỹ nghệ… tại các hội chợ lớn của một số thị trường trọng điểm; thêm vào đó là việc đổi mới phương thức xúc tiến thương mại linh hoạt từ trực tiếp sang trực tuyến, áp dụng mô hình triển lãm hybird trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 cũng được Hapro thí điểm triển khai; tập trung phát triển một số mặt hàng xuất khẩu như mặt hàng chế biến thành phẩm, đóng gói bao bì mang thương hiệu Hapro để xuất khẩu trực tiếp vào một số chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại nước ngoài như gạo Hapro Đồng Tháp, hạt điều Hapro…. nhằm quảng bá và nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt.
Đặc biệt, trước những tác động của đại dịch bệnh Covid-19, Ban Lãnh đạo Tổng công ty đã thống nhất triển khai các giải pháp để khắc phục khó khăn, đó là: Nỗ lực nâng cao kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, nâng hiệu quả lợi nhuận xuất khẩu và đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn vốn. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã linh hoạt đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại qua hình thức giao thương trực tuyến với đối tác trong nước và ngoài nước để thúc đẩy kinh doanh đặc biệt là kinh doanh xuất khẩu.
Tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm
Khách hàng mua sắm tại BRGMart
Với việc phấn đấu đưa Hapro trở thành một thương hiệu uy tín và phát triển bền vững hơn nữa trong thời kỳ mới, trước mắt trong năm 2021, Hapro sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thương mại nội địa, trong đó, xây dựng và triển khai phương án đổi mới hoạt động kinh doanh thương mại bán lẻ, thực hiện tái cơ cấu hệ thống. Căn chỉnh hệ thống hình ảnh và nhận diện các địa điểm bán lẻ của Tổng công ty, quan tâm đến việc phát triển mảng kinh doanh online. Tập trung triển khai kinh doanh dịp Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán...
Song song với thị trường nội địa, Tổng công ty vẫn sẽ tăng cường và thúc đẩy xuất khẩu bằng việc thực hiện các giải pháp để tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho mảng kinh doanh xuất khẩu như: Nâng cao kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, nâng hiệu quả lợi nhuận xuất khẩu và đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn vốn. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại với đối tác trong nước và ngoài nước để thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh xuất khẩu. Với việc đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, Hapro phấn đấu năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.109,68 tỷ đồng; kim ngạch XK đạt 33,2 triệu USD; lợi nhuận trước thuế đạt 38,45 tỷ đồng.
Các chương trình, giải thưởng thương hiệu đã đạt được năm 2020 nâng tầm thương hiệu Hapro
- Được bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” đối với sản phẩm gạo Đồng Vàng của Chi nhánh Hapro Đồng Tháp và Kem chanh Bạc hà của Công ty CP Thủy Tạ.
|
Nguyễn Hoa