Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 3 khâu đột phá cần thực hiện để góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại đó là: “Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển”.
Hiện nay, Hưng Yên có 17 Khu công nghiệp (KCN), trong đó có 9 KCN phát triển theo trục giao thông Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch phát triển với diện tích khoảng 4.395 ha. Trong đó có 11 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư thu hút vào trong KCN khoảng 9 tỷ USD, với khoảng 437 dự án (249 dự án FDI, 188 dự án trong nước), tạo việc làm cho 78.300 lao động. Doanh thu từ các dự án trong KCN năm 2022 ước đạt 5,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu khoảng 3,1 tỷ USD, thu ngân sách nội địa khoảng 2.700 tỷ động. Tỉnh dự kiến đến năm 2030 quy hoạch phát triển 30 KCN diện tích 9.540 ha và năm 2050 là 35 KCN diện tích 12.000 ha, đảm bảo mặt bằng thuận lợi cho việc tiếp nhận các nhà đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 2.122 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký hơn 259 nghìn tỷ đồng và hơn 6 tỷ USD. Trong đó, có hơn 300 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp quan trọng hình thành nên ngành công nghiệp hỗ trợ đang đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực. Theo định hướng của tỉnh, đến năm 2025, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Riêng đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng 12 - 15 triệu sản phẩm các loại…
Mới đây, Công ty CP Đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ (Hưng Yên) đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư và Lễ ra mắt Khu công nghệ cao Đài Loan. Khu công nghệ cao Đài Loan là nơi thu hút các chuỗi ngành sản xuất và cung ứng tập trung đầu tiên với tên gọi TICP được đặt trong KCN số 5 của tỉnh Hưng Yên. KCN có diện tích gần 200ha và hiện đã có gần 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, dự kiến phấn đấu đến hết năm 2023 TICP sẽ thu hút khoảng 30 doanh nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng 50% diện tích.
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian tới, để tập trung thu hút đầu tư vào các KCN, Khu đô thị dịch vụ dọc các tuyến hành lang kinh tế, tuyến cao tốc kết nối vùng, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung vào nhiều giải pháp. Về phát triển hạ tầng, tỉnh sẽ phát triển trọng tâm vào công nghiệp, công nghệ cao dọc tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Định hướng trở thành một khu vực phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin hàng đầu của tỉnh Hưng Yên và vùng đồng bằng sông Hồng. Khu vực dọc tuyến đường đoạn qua tỉnh Hưng Yên như: cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Vành đai 4, đường Vành đai 3,5 tập trung phát triển khu đô thị lớn; nhà ở xã hội, đáp ứng về nhà ở và an sinh xã hội cho chuyên gia, công nhân và người dân.
Về thu hút đầu tư vào các KCN, Hưng Yên sẽ ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh sẽ phát triển KCN theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động bất lợi của thị trường và đầu tư từ bên ngoài.
Theo Sở Công Thương Hưng Yên, hoạt động sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Hưng Yên đang phát triển tương đối tốt, đã cung cấp một khối lượng lớn các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp. Trước mắt, Hưng Yên sẽ tập trung vào lĩnh vực cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử; sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Từng bước thu hút đầu tư theo hướng, ưu tiên các dự án sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cung cấp cho các ngành công nghệ cao, các dự án sản xuất thân thiện môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sản phẩm xuất khẩu, đồng thời với việc tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp.
Anh Lê