Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:18:34 GMT+7
Lượt xem: 1818

Tin đăng lúc 31-05-2024

Hưng Yên đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ

Hưng Yên có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp. Tỉnh này nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT): Cơ khí, điện tử, sản xuất kim loại, năng lượng... phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Hưng Yên đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp Toyota Việt Nam, tại khu Công nghiệp Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên

Đến nay, Hưng Yên đã tiếp nhận 2.122 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký hơn 259 nghìn tỷ đồng và hơn 6 tỷ USD. Trong đó, có hơn 300 dự án đầu tư vào ngành CNHT, đã đóng góp quan trọng hình thành nên ngành CNHT đang đà phát triển mạnh ở các lĩnh vực. Trong ngành Cơ khí, chế tạo sản xuất chủ yếu các sản phẩm tạo khuôn mẫu, dập, đúc và gia công chính xác, dụng cụ, dao cắt, linh kiện, thiết bị máy động lực, máy nông nghiệp, sản xuất thép chế tạo.

 

Theo Sở Công Thương Hưng Yên, hoạt động sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNHT ở tỉnh Hưng Yên đang phát triển tương đối tốt, đã cung cấp một khối lượng lớn các sản phẩm CNHT phục vụ sản xuất của các ngành công nghiệp chủ lực trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp. Ngành Thiết bị điện, điện tử sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử, vật liệu linh kiện điện tử, chi tiết cơ - điện tử, pin dùng cho máy vi tính xách tay, điện thoại di động. Ngành Dệt, may sản xuất các sản phẩm xơ, sợi, vải dệt các loại, chỉ thêu, phụ liệu... Ngành Da giày sản xuất các sản phẩm da thuộc, đế giày và hóa chất thuộc da. Ngành Sản xuất, lắp ráp ô tô sản xuất các sản phẩm động cơ và chi tiết động cơ ô tô, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, khung thân vỏ, cửa xe, dây điện và cụm đèn, linh kiện nhựa, cao su ô tô… Nhóm công nghệ cao sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị và sản xuất các loại chi tiết nhựa chất lượng cao…

 

Có thể kể ra những cái tên nổi trội trong ngành CNHT của Hưng Yên như: Công ty Kyocera Việt Nam;, Công ty Công nghiệp Fancy Việt Nam; Công ty DSM Việt Nam, Công ty Điện tử ANNEX; Công ty Điện tử Canon Việt Nam; Công ty Điện tử MINGHAO Việt Nam; Công ty HOYA GLASS DISK Việt Nam; Công ty Fancy Creation Việt Nam; Công ty Vật liệu điện tử Shin-Etsu Việt Nam… sản xuất ra các sản phẩm điện, điện tử theo chuỗi giá trị. Các công ty khuôn đúc Tsukuba Việt Nam,; Công ty LTK Việt Nam; Công ty Vikom; Công ty Cơ khí P&P; Công ty Hoàng Hạc Phương Bắc; Công ty Konishi Việt Nam; Công ty Palfinger Marine Việt Nam… sản xuất ra các sản phẩm cơ khí, chế tạo…

 

Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dụng cụ An Mi, KCN dệt may Phố Nối B, tỉnh Hưng Yên chia sẻ: “Ngành Cơ khí, chế tạo có tiềm năng phát triển rất lớn, các doanh nghiệp (DN) trong nước hoàn toàn có thể sản xuất ra các sản phẩm cung cấp cho chuỗi giá trị toàn cầu, thay thế nhiều sản phẩm nhập khẩu. Do vậy, Công ty TNHH Dụng cụ An Mi đã xác định đúng vị trí trong chuỗi giá trị nên đầu tư đúng hướng”.

 

 

Hưng Yên đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển CNHT trong dài hạn

 

Theo đó, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Dụng cụ An Mi, với công nghệ hiện đại đã sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao: dụng cụ cắt mài, máy và thiết bị gia công, khuôn cắt, khuôn uốn, chi tiết chính xác, sản phẩm phủ PVD... mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm, cung cấp cho nhiều DN Việt Nam và một số hãng lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc... và đang phấn đấu trong hai năm tới trở thành DN có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng.

 

Theo định hướng của Hưng Yên, đến năm 2025, CNHT sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước. Đến năm 2030, CNHT sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, cụ thể: Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, đến năm 2025, định hướng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại. Đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại. Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, định hướng đến năm 2025, sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng 12 - 15 triệu sản phẩm các loại…

 

Hưng Yên cũng chú trọng việc thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, CNHT. Tỉnh đã thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển KCN theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động bất lợi của thị trường và đầu tư từ bên ngoài.

 

Có thể nói, các ngành CNHT ở Hưng Yên phát triển đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất thành phẩm khác như sản xuất, lắp ráp ô tô, thiết bị điện, điện tử, dệt may... tạo môi trường hình thành mối liên kết sản xuất giữa các thành phần kinh tế giữa cơ sở sản xuất trong nước và các DN đầu tư nước ngoài, liên kết giữa vệ tinh CNHT và các DN lắp ráp. Đây là một trong những tiền đề quan trọng trong việc tiếp tục tăng cường mối liên kết trong sản xuất giữa các thành phần kinh tế trong thời gian tới.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang