Mục tiêu của đại hội Đảng bộ huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là: “Tiếp tục xây dựng quy hoạch và thực hiện chương trình phát triển CN - TTCN, xây dựng một số doanh nghiệp mạnh, khuyến khích phát triển sản xuất CN - TTCN với tốc độ cao và bền vững, đặc biệt là 3 ngành cơ khí, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng. Tăng cường công tác đào tạo nghề, dạy nghề, phát triển mạnh ngành nghề ở các làng nghề truyền thống và mở thêm nghề mới, nhằm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm ở nông thôn”… Huyện đã xây dựng và triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp như: Tạo điều kiện thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông của Trung ương, của tỉnh, của địa phương; Chủ động nâng cấp nhiều hệ thống hạ tầng giao thông để tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, thu hút đầu tư; Phối hợp với ngành Điện đầu tư, nâng cấp hệ thống trạm biến áp và cải tạo lưới điện nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện khi gia tăng sản xuất CN - TTCN; Chủ động quy hoạch và đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) để tạo mặt bằng cho các DN, cơ sở CNNT đầu tư mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để các DN, các cơ sở CNNT yên tâm đầu tư sản xuất.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, Huyện tập trung tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ các DN, các cơ sở sản xuất ở nông thôn có điều kiện đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề nghị Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công của tỉnh hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương với mức từ 140 – 250 triệu đồng và tổ chức được 46 lớp dạy nghề miễn phí cho 1.843 lao động nhằm cung ứng nguồn lao động tại chỗ, có tay nghề cho các DN. Điển hình như Công ty TNHH Việt Thắng chuyên sản xuất cơ khí, kết cấu thép đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, trang bị đồng bộ các loại máy đột dập, máy cắt tôn; Công ty TNHH một thành viên Nam Trực, Công ty TNHH Vinh Thực đã đầu tư lò luyện thép sử dụng điện thay thế lò luyện thủ công dùng than nên các sản phẩm đã bảo đảm chất lượng, mẫu mã đa dạng được thị trường tín nhiệm tiêu thụ tốt. Với việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp huyện Nam Trực không chỉ phát huy được thế mạnh nguồn lao động lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm trong các làng nghề truyền thống mà còn nghiên cứu, sản xuất được nhiều loại sản phẩm mới, chất lượng cao như sản phẩm thép nguyên liệu của Công ty TNHH Kim khí Anh Tú; ăng-ten Parabol của Công ty TNHH Linh Đông; trục định vị xe máy của Công ty TNHH Việt Phương, ...
Bên cạnh các CCN tập trung, làng nghề truyền thống sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện đã được phục hồi và phát triển ổn định. Làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ (xã Nam Tiến); Làng nghề thủy tinh Xối Trì; Đúc nhôm Bình Yên; Dệt Trung Thắng (xã Nam Thanh); Làng nghề dệt Liên Tỉnh (xã Nam Hồng)...
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, với sự “vào cuộc” quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong giai đoạn 2011 - 2015, sản xuất CN - TTCN của huyện Nam Trực đã có bước phát triển mạnh cả về “lượng” và “chất” trên lĩnh vực: Công nghiệp trọng điểm, làng nghề và thu hút đầu tư. Năm 2015, giá trị sản xuất CN - TTCN toàn huyện ước đạt 2.718 tỷ đồng (cao hơn mục tiêu nghị quyết 268 tỷ đồng). Trên địa bàn huyện hiện có 70 doanh nghiệp, trên 3.200 cơ sở sản xuất CN - TTCN hoạt động ổn định trong 3 CCN, 7 làng nghề, làng nghề truyền thống và các điểm công nghiệp ở các xã, tạo việc làm cho trên 17 nghìn lao động nông thôn với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng.
Các ngành công nghiệp trọng điểm trên địa bàn như ngành cơ khí chiếm tỷ trọng 61,1% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 23,8%; ngành dệt may, da giày chiếm tỷ trọng 18,7%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,5%/năm; ngành sản xuất VLXD chiếm tỷ trọng 10,3%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 24%/năm. Cùng với đó, nhiều DN trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất trên địa bàn huyện như: Tập đoàn Syngenta Việt Nam, Công ty TNHH LongYu Việt Nam, Công ty CP Dệt may Nam Định,...
Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2015, huyện tiếp tục triển khai xây dựng CCN Bình Yên – Nam Thanh và 2 nhà máy của Công ty May Nam Định, Công ty TNHH Ánh Vàng. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Nam Trực chủ trương phát huy hiệu quả của các cụm, điểm công nghiệp hiện có, hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp theo quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống; kết hợp giữa phát triển công nghiệp với phát triển dịch vụ, thương mại; khuyến khích, tạo điều kiện ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của huyện. Phấn đấu đến năm 2020, ngành sản xuất CN-TTCN, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20 nghìn lao động mới.
Sau 5 năm triển khai thưc hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, bộ mặt nông nghiệp – nông thôn và đời sống của người dân ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ rệt. Sản xuất CN-TTCN, làng nghề phát triển đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương./.
Bích Hồng