Theo thống kê, Huyện Thạch Thất có 50 làng có nghề, trong đó có 09 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống: Làng nghề cơ, kim khí Phùng Xá; làng nghề mây tre, giang đan Thái Hòa; làng nghề mây tre, giang đan Phú Hòa; làng nghề mây tre, giang đan Bình Xá; làng nghề mộc - xây dựng Canh Nậu; làng nghề mộc - xây dựng Dị Nậu; làng nghề bánh chè lam Thạch Xá; làng nghề truyền thống mộc dân dụng và làm nhà cổ Hương Ngải...
Bên cạnh đó, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, huyện Thạch Thất gồm 18.459,05 ha tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp chiếm 42,72%. Sản xuất nông nghiệp luôn được chính quyền địa phương quan tâm và coi là điểm tựa phát triển kinh tế. Thời gian qua, Huyện Thạch Thất đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi mô hình sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật...
Dựa trên những lợi thế đó, đồng thời căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm gia đoạn 2018 - 2020; Quyết định số 3629/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm Thành phố Hà Nội đến năm 2020, ngày 14/11/2019, UBND Huyện Thạch Thất ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm Huyện Thạch Thất đến năm 2020, thành lập Hội đồng và ban hành quy chế đánh giá, xếp hạng sản phẩm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm(OCOP).
Theo đó, Huyện Thạch Thất đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Thành phố Hà Nội, triển khai thực hiện chương trình OCOP một cách thường xuyên, liên tục bằng các tài liệu, bài viết đến các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở (cấp xã, thôn) và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình OCOP; Cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế nông thôn và Chương trình OCOP; Quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm và các mô hình, cách làm hay của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thành công Chương trình OCOP. Xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm chủ lực như: Chè lam, chè kho, bưởi các loại, thanh long, rau các loại, gạo, trứng,… và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mộc...UBND Huyện đã tổ chức các hội nghị tập huấn cho các đơn vị, chủ thể về kỹ năng hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh, xây dựng các chuỗi sản xuất, tư vấn, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm... đã được triển khai bài bản, đầy đủ và khoa học.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ tham gia dự thi, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Huyện Thạch Thất năm 2021
Năm 2021, giống như các địa phương khác trong nước, Huyện Thạch Thất chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên với sự quyết tâm, tích cực trong chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực nhân dân, Huyện Thạch Thất tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP. Toàn huyện có 20 hồ sơ của 2 chủ thể(10 hồ sơ sản phẩm nội thất của Công ty TNHH thiết kế và sản xuất nội thất Song Lê, xã Cần Kiệm và 10 hồ sơ sản phẩm thủ công mỹ nghệ của hộ kinh doanh ông Nguyễn Văn Tái, xã Thạch Xá.) tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP huyện Thạch Thất năm 2021. Kết quả, 10 sản phẩm của Công ty TNHH thiết kế và sản xuất nội thất Song Lê, xã Cần Kiệm được đánh giá 4 sao và 10 sản phẩm của hộ kinh doanh ông Nguyễn Văn Tái, xã Thạch Xá được đánh giá đạt 3 sao.
Sản phẩm của Công ty TNHH thiết kế và sản xuất nội thất Song Lê đạt OCOP hạng 4 sao
Theo Ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế Huyện Thạch Thất, tính đến hết năm 2021, huyện Thạch Thất đã có 114 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện Thạch Thất là một trong những địa phương dẫn đầu Thành phố Hà Nội về số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm được đánh giá xếp hạng đã có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định. Đây đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, là sản phẩm thế mạnh của mỗi địa phương trong huyện, có khả năng mở rộng và liên kết sản xuất để mở rộng thị trường. Thông qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ giúp các chủ thể kinh tế phát hiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.
Ghi nhận thực tế tại các cơ sở sản xuất ở Huyên Thạch Thất cho thấy, nhờ triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP, các chủ thể đã có sự thay đổi đáng kể trong tư duy sản xuất. Các đơn vị đã áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại, tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất, chất lượng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm,...đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đồng thời tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân địa phương.
Với tiềm năng và những kết quả đã đạt được, Huyện Thạch Thất có cơ sở để thực hiện, hoàn thành mục tiêu có 300 sản phẩm đạt thứ hạng OCOP 3-5 sao vào năm 2025 và tiếp tục là điểm sáng Chương trình OCOP của Thủ đô.
Minh Ngọc