Nhằm hoàn thiện mục tiêu, huyện Thanh Trì khuyến khích các chủ thể là tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP từ các làng nghề, làng nghề truyền thống, xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các chủ thể nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm OCOP, phát triển vùng nguyên liệu, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chuỗi giá trị, phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP.
Trong đó, hỗ trợ các tổ chức cá nhân phát triển sản phẩm mới, sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của địa phương,…
Bên cạnh đó, huyện sẽ phối hợp với thành phố Hà Nội hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, sản phẩm tái chế than thiện với môi trường; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; phân tích chất lượng sản phẩm (nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược), tham gia liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng sản phẩm OCOP làm quà tặng để giới thiệu với khách hang trong nước, quốc tế và bán tại các điểm du lịch.
Ngoài ra, để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm OCOP, huyện Thanh Trì sẽ phát triển và củng cố hoạt động của Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại xã Duyên Hà; tham gia các Hội chợ, chương trình XTTM do thành phố, các sở ngành tổ chức; tổ chức, phối hợp các đơn vị tổ chức hội chợ tại huyện Thanh Trì và các địa phương khác.
MN