Thứ Năm, 21/11/2024 19:38:25 GMT+7
Lượt xem: 693

Tin đăng lúc 01-08-2024

Khảo sát tuyến du lịch “Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản – di tích và làng nghề”

Ngày 31/7, tại xã Tam Hiệp, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức Khảo sát tuyến du lịch Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch, “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội”.
Khảo sát tuyến du lịch “Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản – di tích và làng nghề”
Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự có các đồng chí: Phạm Diễm Hảo, Phó trưởng Phòng Quy hoạch và phát triển tài nguyên, Sở Du lịch Hà Nội; Nguyễn Thị Thanh Bình, Huyện uỷ viên, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện; đại diện các phòng, ban chuyên môn liên quan của huyện; lãnh đạo xã Tam Hiệp, lãnh đạo các thôn, các Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và Công viên thực vật cảnh Việt Nam Edenpark xã Tam Hiệp.

 

Phát biểu tại Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long Hà Nội”, đồng chí Đỗ Văn Ấu, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, cho biết: Ngày 18/12/2023, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6431/QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch Tam Hiệp với các điểm đến là du lịch tâm linh, du lịch làng nghề và trải nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp, ẩm thực tại Công viên Thực vật cảnh Việt Nam. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân trong phát triển công tác du lịch trên địa bàn xã bằng các thế mạnh sẵn có để thu hút khách du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về con người và quê hương Tam Hiệp có truyền thống hiếu học, truyền thống anh hùng. Thời gian tới, xã tiếp tục phát triển du lịch tâm linh gắn với nông nghiệp, nông thôn, có tiềm năng, lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vận động các chủ thể đầu tư phát triển du lịch, xây dựng phương án chi tiết, sơ đồ vị trí các hạng mục công trình tạo điểm nhấn: Du lịch tâm linh, làng nghề, sinh thái, trải nghiệm, dịch vụ ẩm thực… Phát triển ba điểm đến trong chuỗi điểm đến du lịch làm điểm nhấn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động du lịch. Tiêu biểu như: Mô hình du lịch tâm linh (Chùa Hưng Long, Đình Huỳnh Cung); Mô hình du lịch làng nghề (điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm rượu Ngâu); Mô hình du lịch nông nghiệp và trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ giải trí, ẩm thực…

 

 

Rượu Hoa cúc làng Ngâu, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã có từ bao giờ không ai còn nhớ rõ, có thể là từ thế kỷ XIV – XV hoặc trước đó. Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết, đất kinh kỳ có 2 loại rượu ngon nổi tiếng là Rượu nhụy sen và Rượu hoa cúc. Hiện nay, tinh hoa Rượu hoa Cúc làng Ngâu được các thành viên Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Thương mại Rượu Ngâu gìn giữ và phát huy

 

Hội thảo dành nhiều thời gian để các đại biểu đại diện Công viên thực vật cảnh Việt Nam Edenpark, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Cung, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và Thương mại Rượu Ngâu, đại diện hộ sản xuất rượu và lãnh đạo các thôn trên địa bàn xã Tam Hiệp trao đổi thống nhất ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị của di sản - di tích và làng nghề tại điểm du lịch của xã.  Đồng thời khẳng định: Thời gian qua, xã Tam Hiệp đã  đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số thông qua Trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tăng cường gắn kết, lồng ghép với các hoạt động tuyên truyền trong các hội nghị ở xã, thôn để người dân cùng chung tay, phát triển du lịch địa phương.

 

Đồng thời, được nghe chuyên gia du lịch định hướng ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch tại xã với những nội dung như: Lựa chọn chủ thể có đủ điều kiện, năng lực tham gia xây dựng, đầu tư và phát triển du lịch trên địa bàn xã; cần có đội ngũ chuyên gia du lịch tham gia xây dựng tuyến, hỗ trợ người dân khai thác phát triển điểm du lịch và khẳng định: Điểm nhấn của tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên là làng Ngâu. Làng Ngâu nổi tiếng với nghề nấu rượu, đình chùa Ngâu có kiến trúc đẹp. Ngoài thưởng lãm cảnh quan, di tích, du khách còn được đến thăm các gia đình nấu rượu, đặc sản OCOP 4 sao rượu hoa cúc. Tuyến du lịch kết nối liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch liên kết các địa phương với nhau, tạo thêm sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ở từng địa phương.

 

 

Công viên Thực vật cảnh Việt Nam được thành lập năm 1996, tiền thân là Trung tâm Kiến trúc phong cảnh thuộc Viện Kinh tế sinh thái. Nằm cách trung tâm Thủ đô không xa nhưng công viên sở hữu diện tích rộng hơn 5ha với gần 2.000 loại hoa, cây cảnh  quý ở trong và ngoài nước

 

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Diễm Hảo, Phó trưởng Phòng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Hội thảo nhằm từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản - di tích, làng nghề, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của thành phố Hà Nội. Đây là bước đi nhằm từng bước đầu tư hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản, di tích, làng nghề, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của thành phố Hà Nội nói chung, huyện Thanh Trì nói riêng; phát huy tính liên kết, hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực du lịch theo hướng bảo tồn và phát triển du lịch bền vững.

 

 Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã tham quan, khảo sát mô hình sản phẩm rượu truyền thống tại thôn Yên Ngưu và tham quan thực tế tại Công viên Thực vật cảnh Việt Nam Edenpark.

Minh Ngọc


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang