Không phải đến thời gian gần đây, mà đã từ rất lâu Việt Nam đã đề cập nhiều đến chiến lược phát triển công nghiệp. Ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, chúng ta đã có phương châm “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”. Trải qua mấy thập kỷ, đến nay, nền công nghiệp Việt Nam vẫn chưa định hình được được một cách rõ ràng, chưa phát triển đúng tiềm năng thế mạnh và yêu cầu của đất nước. Do vậy, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt mục tiêu vào năm 2020 đã không thể thực hiện được. Trong khi đó các nước và khu vực láng giềng đã có những bước tiến dài trong đổi mới cơ cấu kinh tế. Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Malaixia…đã từng bước thoát khỏi thân phận gia công, một phân khúc chỉ dành cho lao động của các nước và vùng lãnh thổ nghèo nhất đảm nhiệm trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa.
Nước ta đã thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài 30 năm. Cơ cấu kinh tế đã có những bước thay đổi lớn, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP từ 22,7% (năm 1990) lên hơn 33% GDP hiện nay, thu hút vốn FDI đứng vào hạng cao trong khu vực. Nhưng đánh giá một cách khách quan và đúng mức thì đến nay Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp nào có thương hiệu. Mà chủ yếu là những ngành gia công, lắp ráp, làm thuê cho nước ngoài. Phải nói ngay rằng, để xây dựng nền công nghiệp từ một xã hội nông nghiệp lạc hậu, thì giai đoạn gia công cho doanh nghiệp nước ngoài là tất yếu. Từ bốn con rồng châu Á (Singapore, Hàn Quốc, Hongkong, Đài Loan), đến Trung Quốc, Ấn Độ… đều phải qua giai đoạn gia công, nhưng họ đang vươn lên để xây dựng nền công nghiệp mạnh cho riêng mình. Trung Quốc từ công xưởng của toàn cầu đã tiến lên bằng sản phẩm do chính họ sáng tạo. Số lượng bằng sáng chế hằng năm của nước này luôn thuộc hàng đầu của thế giới. Ấn Độ cũng trở thành nước có ngành công nghiệp dịch vụ phần mềm cung ứng cho toàn cầu.
Việt Nam phải làm gì để thoát khỏi giai đoạn gia công này và tại sao chúng ta lặn ngụp quá lâu trong nền công nghiệp gia công, lắp ráp như hiện nay? Qua nhiều kế hoạch 5 năm và hàng năm, Việt Nam đã đề ra những ngành công nghiệp mũi nhọn, như vật liệu mới, năng lượng mới, cơ khí chính xác, điện tử, ô tô…Nhưng phải chăng chúng ta luôn đề ra mục tiêu quá cao, còn những ngành công nghiệp thiết thực hơn nhằm phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, nông cơ, dược phẩm… thì không có một chiến lược đầu tư để từng bước tạo dựng nền công nghiệp riêng và tiến đến xuất khẩu, cạnh tranh trên thị trường thế giới? Trong khi đây chính là bước đi khả thi để chúng ta từng bước thoát ra khỏi nền kinh tế gia công như hiện nay. Theo Ban Kinh tế Trung ương, nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế - xã hội qua 30 năm đổi mới (1986-2016) còn nhiều bất cập do chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, dàn trải, nguồn lực không tập trung cho phát triển, hay nói cách khác là chính sách chưa xuất phát từ thực tiễn sản xuất công nghiệp cần, chưa giải quyết được yêu cầu của thực tiễn phát triển ngành công nghiệp. Trên thực tế, phát triển công nghiệp của Việt Nam vẫn còn "loay hoay" với việc lựa chọn ngành công nghiệp "mũi nhọn". Muốn làm cái lớn, hiện đại, nhưng ngay những cái bình thường, đơn giản vẫn chưa làm đến nơi, đến chốn!
Chính vì những điều này mà cho đến nay chúng ta vẫn không chủ động được trong việc đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị hàm lượng công nghệ cao. Hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu Việt Nam đều phụ thuộc vào bên ngoài. Chúng ta chỉ là những người làm thuê với trình độ tay nghề thấp hoặc bình thường. Do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm mà chúng ta được thừa hưởng không nhiều.
Nếu mới nhìn vào những số liệu xuất khẩu trong những năm gần đây, chúng ta không khỏi vui mừng, phấn khởi vì tốc độ tăng trưởng khá nhanh và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đang ngày càng có xu hướng chuyển mạnh sang hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. Nhưng phân tích, đánh giá kỹ thì “ thành tích” xuất khẩu này là không của chính chúng ta mà là của các nước và khu vực khác. Thực chất Việt Nam đang “xuất khẩu hộ” nước ngoài. Và đó là sự thật hoàn toàn.
Để chứng minh cho luận điểm này, chúng ta lấy thực tế số liệu xuất nhập khẩu vài năm gần đây để phân tích.
Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) đạt 150,04 tỷ USD. Trong đó trị giá của các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là: Điện thoại các loại và linh kiện 24,08 tỷ USD; May mặc 20,78 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 11,65 tỷ USD; Giày dép các loại 10,21 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, phụ tùng 7,26 tỷ USD; Phương tiện vận tải 5,47 tỷ USD; Xơ sợi các loại 2,53 tỷ USD; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 2,19 tỷ USD... Đồng thời, cũng trong năm 2014, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) đạt 148,05 tỷ USD. Trong đó trị giá các mặt hàng nhập khẩu tương ứng để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu nêu trên là: Điện thoại các loại và linh kiện 7,39 tỷ USD; Bông các loại 1,44 tỷ USD; Xơ sợi các loại 1,56 tỷ USD; Vải các loại 9,10 tỷ USD; Nguyên phụ liệu dệt may, da giày 4,47 tỷ USD; Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 18,77 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 22,46 tỷ USD…
Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) đạt 162,4 tỷ USD. Trong đó trị giá của các mặt hàng chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là: Điện thoại các loại 30,64 tỷ USD; May mặc 22,64 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 15,80 tỷ USD; Giày dép các loại 12,00 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, phụ tùng 8,16 tỷ USD; Phương tiện vận tải 5,88 tỷ USD… Đồng thời cũng trong năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) đạt 165,6 tỷ USD. Trong đó, trị giá các mặt hàng nhập khẩu tương ứng để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu nói trên là: Điện thoại các loại và linh kiện 10,64 tỷ USD; Bông các loại 1,62 tỷ USD; Xơ sợi các loại 1,51 tỷ USD; Vải các loại 10,19 tỷ USD; Nguyên phụ liệu dệt may, da giày 5,04 tỷ USD; Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 23,27 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, phụ tùng 27,60 tỷ USD…
Nhìn vào số liệu xuất khẩu và nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu trong hai năm 2014-2015, ta thấy, thực chất giá trị gia tăng của các mặt hàng này không đáng bao nhiêu và như vậy phần lợi nhuận Việt Nam được hưởng quá ít ỏi, chủ yếu dành cho nước ngoài.
Để nhìn nhận về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay, chúng tôi xin nêu ra đánh giá của một chuyên gia trong nước và một chuyên gia nước ngoài:
GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: "Việt Nam có rất nhiều chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng về mặt thực thi, chúng ta kém nhất thế giới".
Tiến sĩ Yoichi Sakurada, Viện Nghiên cứu Mitsubishi (Nhật Bản) cũng nhận xét: Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam có đầy đủ văn bản pháp lý, cơ quan của Bộ, ngành và địa phương, nhưng do thực thi hạn chế, nhân sự không có trình độ, đặc biệt chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp khiến ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam dù được đầu tư lớn, kỳ vọng nhiều song vẫn dở dang.
Hà Lê