Thực hiện Nghi Định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2012 của Chính phủ về công tác khuyến công; Trong thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều đề án khuyến công trên địa bàn, đặc biệt, đã chú trọng lập đề án, hỗ trợ cho các ngành nghề ở khu vực công nghiệp nông thôn.
Là đơn vị được thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công, ông Nguyễn Hải Nam – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến gỗ Mộc Phát, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo chia sẻ với phóng viên: Hiện nay, Công ty chuyên sản xuất và chế biến gỗ (không ngâm, tẩm hóa chất) phục vụ cho phát triển các ngành nghề công nghiệp nông thôn, năm 2019 được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương, Công ty đã mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư mua sắm thiết bị như: 02 máy cưa CD; 04 máy cưa vòng; 05 phòng sấy gỗ; 01 nồi hơi sấy công nghiệp; 01 trạm cân 80 tấn…; Hệ thống nồi hơi sấy gỗ công nghiệp, công suất 3.500kg/h, mới 100%, xuất xứ tại Việt Nam. Tổng kinh phí đầu tư theo hợp đồng kinh tế giữa đơn vị thụ hưởng và đơn vị cung cấp là 500 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ là 200 triệu đồng. Đây là bước đệm vững chắc để Công ty tiếp tục phát huy nội lực, sau khi được đầu tư hệ thống nồi hơi sấy gỗ công nghiệp, Công ty đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất giai đoạn 1, bắt đầu quá trình sản xuất cho ra sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất cao, từ đó năng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; Với uy tín, chất lượng sản phẩm gỗ sấy không ngâm, tẩm hóa chất, Công ty đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, sau thời gian hoạt động Công ty đã sinh lời có lãi, năm 2019 đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng trên 30 lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Các đại biểu tại buổi nghiệm thu đề án tại Công ty TNHH sản xuất chế biến gỗ Mộc Phát.
Theo ông Phạm Thanh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp Bình Dương, năm 2020 và những năm tới, để hội nhập thị trường rộng lớn thì các doanh nghiệp gỗ phải tích cực hòa mình vào trào lưu cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tích cực mở rộng nguồn gỗ nguyên liệu chất lượng, bền vững theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, cung ứng cho Việt Nam và thị trường nước ngoài. Bởi hiện nay, giữa thuận lợi và khó khăn thì ngành gỗ Việt Nam đang có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nắm bắt cơ hội này như thế nào lại phụ thuộc vào sự chuẩn bị của chính doanh nghiệp. Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất đồ gỗ nội thất” cho các công ty là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị sản xuất đi liền với thiết kế mẫu mã, mỹ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, sử dụng nguyên nhiên liệu hiệu quả, giảm thiểu phát thải, cũng như bảo đảm sức khỏe người lao động, đồng thời việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến sẽ giúp công ty gia tăng năng suất lên gấp nhiều lần.
Có thể khẳng định, sự hỗ trợ kinh phí từ chính sách khuyến công sẽ đáp ứng nhu cầu của ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là hoạt động thể hiện rõ nét vai trò của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Phát triển công nghiệp trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp nông thôn có điều kiện đổi mới máy móc, thiết bị có công nghệ tiên tiến, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 để bứt phá trong hoạt động sản xuất. Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong 10 năm tới, Việt Nam phải lọt vào 15 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất, phấn đấu trở thành trung tâm hàng đầu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản có thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới.
Công Du