Để hỗ trợ các cơ sở, thời gian qua, TTKC đã tập trung ưu tiên hỗ trợ đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc của gần 200 dòng sản phẩm, đồng thời, hỗ trợ các cơ sở ổn định môi trường sản xuất để duy trì được chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan của tỉnh đôn đốc, theo dõi, kiểm tra hoạt động tại các cơ sở đã nhận được sự hỗ trợ; Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm giúp các cơ sở sản xuất trên địa bàn xây dựng thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy, đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển các sản phẩm đặc hữu của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 100 cơ sở sản xuất với khoảng 200 sản phẩm nông sản an toàn; Xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 24 nhãn hiệu và một chỉ dẫn địa lý đối với hơn 30 sản phẩm nông sản đặc hữu, trong đó, nhiều sản phẩm được đánh giá là đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng và đã có mặt trên thị trường khắp cả nước. Tỉnh cũng đã phát triển được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối của một số nông sản đặc hữu với quy trình sản xuất an toàn như: Gạo Séng Cù; Mật ong; Cá hồi Vân; Thịt trâu sấy; Chè Actiso; Rau an toàn… Và người dân ở những vùng này cũng được nâng cao kiến thức, đặc biệt là kiến thức về tiếp thị sản phẩm, quản lý bán hàng, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý để tránh bị vi phạm.
Sản xuất tinh bột nghệ tại cơ sở sản xuất tinh bột nghệ vàng nguyên chất Tiến Mạnh (Bảo Thắng, Lào Cai)
Chia sẻ về hiệu quả của nguồn kinh phí khuyến công đem lại, ông Nguyễn Tiến Mạnh – Chủ cơ sở sản xuất Tinh bột nghệ Tiến Mạnh (thôn Phú Xuân, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) cho biết: Những năm trước đây, việc sản xuất tinh bột nghệ tại cơ sở vẫn còn áp dụng theo quy trình thủ công truyền thống nên mất nhiều thời gian, công sức mà sản phẩm sản xuất ra chất lượng lại không cao. Sau khi tìm hiểu, được sự tư vấn từ TTKC tỉnh và hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, cơ sở đã đầu tư được máy móc hiện đại, phục vụ cho sản xuất. Từ khi đưa máy móc hiện đại vào hoạt động với quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, tinh bột nghệ của cơ sở sản xuất ra không chỉ tăng năng suất mà chất lượng và mẫu mã cũng hơn hẳn so với trước. Ngoài ra, TTKC còn hỗ trợ cơ sở tìm kiếm, mở rộng thị trường cho sản phẩm thông qua các hoạt động như tham gia các hội chợ; tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh… Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở ngày càng ổn định và phát triển, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Tương tự, Hợp tác xã Tiên Phong, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cũng là một trong những đơn vị nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ nguồn kinh phí khuyến công. Với 200 triệu đồng được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạo”, HTX đã mạnh dạn đầu tư thêm máy tách màu hiện đại hoạt động theo quy trình cài đặt tự động. Gạo sau khi qua máy tách màu và máy sấy sẽ cho ra sản phẩm gạo đều hạt, không lẫn những hạt đen, mốc, vỡ vụn và có chất lượng cao. Đại diện lãnh đạo HTX Tiên Phong cho biết, sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đã góp phần không nhỏ giúp HTX tạo ra sản phẩm gạo Séng Cù đạt tiêu chuẩn cung cấp ra thị trường. Không những vậy, HTX còn được TTKC hỗ trợ về đăng ký nhãn hiệu và in nhãn mác bao bì để sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng và đẹp mắt hơn.
Nói về các giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông sản đặc hữu của địa phương, giúp các cơ sở, DN tiếp tục mở rộng thị trường trong thời gian tới, ông Hà Đức Bình – Giám đốc TTKC Lào Cai cho biết: Trung tâm sẽ tiếp tục tiếp tục hỗ trợ các cơ sở duy trì, phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, qua đó, bảo tồn các làng nghề truyền thống; Tiếp tục rà soát, tư vấn cho các cơ sở sản xuất TTCN, CNNT xây dựng đề án phát triển sản phẩm; Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, hỗ trợ các cơ sở đưa sản phẩm ra thị trường cả trong và ngoài nước. Cùng với đó, Trung tâm sẽ tham mưu cho tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu cho những sản phẩm có khả năng phát triển thành hàng hóa và lập dự án thu hút đầu tư, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN đầu tư sản xuất vào lĩnh vực này. Tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các cơ sở thay đổi công nghệ mới thân thiện với môi trường, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đặc biệt, Trung tâm sẽ tập trung nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ các đề án mang tính trọng tâm, trọng điểm cho từng sản phẩm từ khi bắt đầu sản xuất cho đến việc đưa ra thị trường.
Có thể nói, xây dựng thương hiệu chính là giải pháp hiệu quả để giúp cho nông sản địa phương có sức cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường. Với sự nỗ lực của các DN, cơ sở sản xuất, cùng sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, tin tưởng rằng, thị trường của nông sản Lào Cai sẽ ngày càng được mở rộng không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế cho các cơ sở sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT – XH của tỉnh.
Bích Ngọc