Thứ Sáu, 22/11/2024 15:20:51 GMT+7
Lượt xem: 3471

Tin đăng lúc 17-07-2016

Khuyến công Nam Định: Động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Nhằm phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nông thôn, nhất là trong tư duy kinh tế, khởi nghiệp của người dân, nhiều năm trở lại đây, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh Nam Định thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất CN-TTCN nông thôn phát triển sản xuất.
Khuyến công Nam Định:  Động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Năm 2015, với 4,34 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, tỉnh Nam Định đã triển khai thực hiện một cách có hiệu quả 20 chương trình, đề án khuyến công, giúp các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh. Tiếp nối thành công đó, sang năm 2016, để các chương trình, dự án khuyến công của tỉnh đạt hiệu quả cao hơn và có sức lan tỏa rộng hơn, Sở Công Thương, cụ thể là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (TTKC) đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đổi mới phương thức thực hiện và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công. Đồng thời triển khai rà soát, xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các DN, cơ sở CNNT thực hiện có hiệu quả các đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức…

 

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương, TTKC đã phối hợp với Phòng Công thương các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực rà soát, lựa chọn được 2 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; 2 đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất đáp ứng các tiêu chí đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới được đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ mức 400 triệu đồng/mô hình là: Sản xuất cửa ca-bin tàu thủy của Công ty TNHH Việt Tiến (Xuân Trường); kỹ thuật sản xuất tôn ép xốp chất lượng cao của Công ty CP Vật tư kim khí Tùng Nam (Giao Thủy); 2 đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất là: Sản xuất viên nang mềm của Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Liên (TP Nam Định) mức hỗ trợ 200 triệu đồng và ứng dụng công nghệ mới trong đúc phôi thép của Công ty CP Xuất nhập khẩu Huyền Trang (CCN Đồng Côi, Nam Trực) mức hỗ trợ 187 triệu đồng. 

 

Mục tiêu năm 2016 của TTKC là tập trung hỗ trợ từ 7-8 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới (mức hỗ trợ từ 300-400 triệu đồng/mô hình); 5-6 đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất (mức hỗ trợ từ 170-200 triệu đồng/đề án); tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn cho các DN CNNT và tham gia hội chợ thương mại khu vực phía Bắc (tháng 10/2016 tại tỉnh Ninh Bình) với tổng kinh phí 200 triệu đồng; hỗ trợ xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Chính vì vậy, UBND tỉnh đã quyết định nâng mức hỗ trợ tối đa cho các chương trình, đề án khuyến công nâng từ 250 triệu đồng/mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới lên mức 400 triệu đồng/mô hình, hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

 

Các chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Nam Định thời gian qua thực sự là động lực thúc đẩy, khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất CN - TTCN đầu tư thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thêm việc làm mới và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa nông thôn./.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang