Ngay từ đầu năm, TTKC và Sở Công Thương đã được UBND tỉnh Thái Bình giao nhiệm vụ và nguồn kinh phí cho công tác khuyến công địa phương năm 2019, với nhiều chương trình, đề án cụ thể như: Tập huấn; đào tạo nghề cho người lao động; tuyên truyền, phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng về tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động khuyến công tại các địa phương trong tỉnh... Tính đến hết tháng 6, TTKC tỉnh đã tổ chức mở 46 lớp tập huấn máy cơ khí nông nghiệp cho 1.610 lao động; 03 lớp dạy nghề may công nghiệp cho hơn 100 lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, TTKC Thái Bình đã lập kế hoạch tư vấn, thực hiện và tập trung nguồn lực, thực hiện các Chương trình như: Tiết kiệm năng lượng; Sản xuất sạch hơn; Tập huấn máy cơ khí nông nghiệp; Đào tạo nghề may công nghiệp… Nhìn chung các chương trình, lớp tập huấn trên đều được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao, bởi đây là chương trình rất thiết thực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và lợi ích đối với người dân khu vực nông thôn. Tại các lớp tập huấn máy cơ khí nông nghiệp, đào tạo nghề may công nghiệp do TTKC tỉnh tổ chức, các học viên tham gia lớp học được giáo viên hướng dẫn tỷ mỷ từ lý thuyết, đến thực hành trên hệ thống máy móc. Đồng thời, TTKC còn hỗ trợ một phần kinh phí cho học viên, hỗ trợ thay thế thiết bị khi thực hành, nên đã khuyến khích, thu hút được số động học viên hưởng ứng, trong đó tỷ lệ học viên đạt điểm chuyên cần khá cao.
Đại diện đơn vị phối hợp thực hiện công tác khuyến công tại địa phương, ông Bùi Xuân Triều, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình chia sẻ: Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Thái Bình, 06 tháng đầu năm 2019, TTKC tỉnh đã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện triển khai nhiều đề án hoạt động khuyến công trên địa bàn huyện Kiến Xương như: Dạy nghề; Đào tạo nghề may công nghiệp; Tập huấn vận hành bảo dưỡng sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp; Chương trình sản xuất sạch hơn… Đây là các Chương trình đào tạo tại địa phương cho người lao động là rất phù hợp với tình hình thực tế, bởi họ rất mong muốn được học tập, đào tạo một cách bài bản và được cấp chứng chỉ sau khóa học khi mà họ không có điều kiện học tập qua các trường lớp tập trung; giúp người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm một công việc làm ổn định, phù hợp với năng lực, trình độ của mình, có nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình. Đặc biệt, là tạo ra một sức bật mới cho lực lượng lao động trẻ tại các xã, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương khi cần tuyển dụng lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, ổn định chính trị, trật tự an ninh, tạo việc làm, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Bên canh đó, TTKC Thái Bình còn tham mưu cho Lãnh đạo Sở Công Thương, xây dựng, tổng hợp, biên soạn Bản tin Công Thương để giới thiệu, quảng bá thành tựu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Tuyên truyền cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, giới thiệu nghề và làng nghề; Công tác an toàn về sử dụng điện; Công tác quản lý thị trường; Quản lý thương mại; An toàn lao động, phòng chống cháy nổ; Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn; Tổ chức các lớp tập huấn… Đồng thời, nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác khuyến công và các công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương. Hiện TTKC tỉnh vẫn đang phối hợp hiệu quả với Đài PTTH Thái Bình; Báo Thái Bình; Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng xây dựng nhiều phóng sự, các chuyên đề tuyên truyền về hiệu quả của các lớp đạo tạo nghề may công nghiệp, tập huấn vận hành bảo dưỡng sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp, Chương trình sản xuất sạch hơn…
Tiếp tục thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019, TTKC tỉnh sẽ tổ chức các đề án được UBND tỉnh giao, chủ động triển khai các chương trình khuyến công trên cơ sở tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các ngành, sự giúp đỡ về chuyên môn của Cục Công Thương địa phương, Sở Công Thương tỉnh, đồng thời, phối hợp với UBND, Phòng Kinh tế & Hạ tầng các huyện, thành phố để triển khai các chương trình, kế hoạch đề ra.
Công Du