Thứ Năm, 05/12/2024 02:21:21 GMT+7
Lượt xem: 186

Tin đăng lúc 04-12-2024

Thái Bình: Điểm đến mới của nhiều “ông lớn” ngành công nghiệp ô tô

Những năm gần đây, nỗ lực thu hút đầu tư đã đem về trái ngọt, đưa miền quê lúa lên bản đồ thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cùng với Hải Phòng và Quảng Ninh, tỉnh Thái Bình đang hướng tới trở thành một trong những trung tâm lớn về công nghiệp ô tô của vùng duyên hải phía Bắc.
Thái Bình: Điểm đến mới của nhiều “ông lớn” ngành công nghiệp ô tô
Đại diện Tasco và Geely ký kết hợp tác phát triển công nghiệp ô tô tại Thái Bình

Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã và đang ưu tiên thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để cung cấp nguyên liệu, các chi tiết, sản phẩm (chưa hoàn thiện) tại chỗ cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, trong đó ngành CNHT ô tô cũng đang được Thái Bình chú trọng.

 

Điểm mặt các doanh nghiệp công nghiệp ô tô Thái Bình

 

Công ty TNHH Cơ khí Ô tô An Thái là doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và phân phối phụ tùng ô tô hàng đầu Việt Nam. Thành lập năm 1992 tại tỉnh Thái Bình, An Thái đã trở thành đối tác cung cấp nguồn hàng phụ trợ uy tín cho nhiều khách hàng lớn. Đặc biệt, với công suất hàng năm đạt trên 7.000 tấn, các sản phẩm CNHT phục vụ ngành ô tô do Công ty sản xuất như: Tăm bua, bộ hơi, turbo, bơm trợ lực, đùm cầu, vòng bi các loại, trục cơ, bơm ben, xéc măng… đang được rất nhiều nhà sản xuất ô tô trong và ngoài nước tin dùng. Hiện Công ty đang cung cấp hơn 30.000 linh kiện phụ tùng từ xe tải nhẹ 500kg đến xe tải nặng trên 70 tấn của các dòng xe Trung Quốc, Nhật, Mỹ.

 

Cùng với An Thái, Công ty Cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng) cũng là doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực CNHT ô tô tại Thái Bình. Đại diện Thái Hưng cho biết: Được thành lập vào năm 2006 tại thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, đến năm 2020, Công ty tái cơ cấu ngành nghề và trở thành một công ty khởi nghiệp mới trong lĩnh vực ô tô điện thông qua việc xây dựng Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy cơ điện Thái Hưng. Dự án được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt lần đầu ngày 08/01/2020 và điều chỉnh ngày 30/12/2022 với mục tiêu gia công, lắp ráp và sản xuất xe điện 2 bánh, 3 bánh và ô tô điện. Tổng công suất toàn dự án là 15.000 xe/năm, trong đó, riêng ô tô điện và xe điện 4 bánh có quy mô công suất thiết kế là 5.000 xe/năm.

 

Giữa năm 2023, Thái Hưng đã gia nhập cuộc đua sản xuất ô tô điện cỡ nhỏ, cạnh tranh trực tiếp với VinFast và nhiều ông lớn khác. Theo đó, Công ty đã ký Thỏa thuận hợp tác với Công ty Roding Mobility đến từ CHLB Đức về việc nghiên cứu phát triển, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ tại Việt Nam.

 

Hiện, những doanh nghiệp này đã và đang góp phần giúp ngành CNHT ô tô tại Thái Bình thêm phần khởi sắc.

 

Thỏi nam châm thu hút nhiều dự án lớn về công nghiệp ô tô

 

Với lợi thế về cảng biển và giao thông kết nối thuận tiện, những năm gần đây, Thái Bình giống như một thỏi nam châm thu hút nhiều ông lớn ngành công nghiệp ô tô. Điều này được chứng minh bằng việc thỏa thuận hợp tác ký kết gần đây giữa Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, cùng liên danh các nhà đầu tư Công ty Cổ phần Tasco - Tập đoàn ô tô Geely Auto Group (Trung Quốc) trong thực hiện dự án nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Tiền Hải.

 

Dự án Nhà máy lắp ráp ô tô Tasco Auto - Geely Auto có tổng mức đầu tư dự kiến 168 triệu USD, công suất khoảng 75.000 xe/năm, tạo việc làm trực tiếp cho 1.000 lao động và khoảng 7.000 lao động gián tiếp, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.

 

Ngoài dự án lắp ráp xe, Tasco Auto cũng chính thức trở thành nhà phân phối thương hiệu xe Geely Auto tại Việt Nam. Trong sự kiện ký kết, Tasco và Geely cũng hợp tác với Ban quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp Tiền Hải. Các doanh nghiệp (DN) này kêu gọi nhiều nhà đầu tư khác tham gia xây dựng chuỗi cung ứng linh kiện, CNHT ô tô, cũng như thành lập trung tâm R&D cho khu vực Đông Nam Á và mở Trường Đại học đào tạo kỹ thuật ô tô. Những sáng kiến này nhằm phát triển hệ sinh thái toàn diện, giúp đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường vị thế của Thái Bình trên bản đồ công nghiệp ô tô thế giới.

 

Việc xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Thái Bình sẽ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế cho tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung, qua đó tạo động lực thu hút các DN CNHT, thu hút nhân lực có trình độ cao tới làm việc trên địa bàn Khu kinh tế Thái Bình.

 

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (người đứng hàng thứ 2, thứ 4 từ trái qua) chứng kiến ký kết hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Bình giữa Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH ô tô Omoda & Jaecoo, Tập đoàn Chery

 

Cũng trong tháng 4/2024, thương hiệu Omoda&Jaecoo (thuộc Tập đoàn ô tô Chery Trung Quốc) và Tập đoàn Geleximco đã chính thức ký kết hợp đồng liên doanh, xây dựng nhà máy ô tô tại tỉnh Thái Bình để sản xuất các mẫu xe năng lượng mới. Nhà máy có công suất 200.000 xe/năm, với tổng vốn đầu tư 800 triệu USD, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I công suất 50.000 xe và các công trình phụ trợ thiết yếu, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026. Giai đoạn II từ năm 2031 đến 2033 đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 50.000 xe/năm, nâng công suất nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô lên 100.000 xe/năm; Đầu tư khu CNHT có quy mô 50 ha nhằm thu hút các đối tác sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô để đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa 40% phục vụ cho xuất khẩu; Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảnh quan toàn dự án. Giai đoạn III từ 2034 - 2035 sẽ đầu tư thêm dây chuyền sản xuất 100.000 xe/năm để nâng công suất toàn nhà máy lên 200.000 xe/năm và đầu tư mở rộng khu CNHT thêm 50ha nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa lên trên 60%.

 

Đây là dự án ô tô lớn nhất của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam từ trước đến nay và là dự án lớn thứ 2 về xe năng lượng mới tại Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Các doanh nghiệp Đức và Trung Quốc có lợi thế và kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử. Do đó, tỉnh chú trọng và mong muốn thu hút đầu tư của các quốc gia này trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, CNHT, công nghiệp ô tô…”.

 

Với tiềm năng phát triển lớn, Thái Bình đang từng bước khẳng định mình là một “cứ điểm” mới trong ngành công nghiệp ô tô trong khu vực. Đặc biệt, Khu Kinh tế Thái Bình - nơi dự án nhà máy lắp ráp ô tô sẽ được triển khai, có quỹ đất lớn và cơ sở hạ tầng hiện đại. Tỉnh cũng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN nói chung và DN CNHT nói riêng đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian gần đây đã biến Thái Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với các DN trong nước mà còn với các nhà đầu tư quốc tế.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh rằng, việc các nhà đầu tư lựa chọn Thái Bình là điểm đến cho các dự án công nghiệp ô tô thể hiện sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển của tỉnh. Tỉnh Thái Bình khẳng định, chính quyền địa phương sẽ luôn đồng hành và tạo điều kiện tối đa để dự án sớm được triển khai và đi vào hoạt động. Điều này sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

 

Với sự lựa chọn của các nhà đầu tư, chắc chắn trong thời gian tới tỉnh Thái Bình sẽ có rất nhiều hy vọng để trở thành một trung tâm sản xuất ô tô mới tại Việt Nam.

 

Hoa Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang