Thứ Sáu, 22/11/2024 01:10:01 GMT+7
Lượt xem: 4050

Tin đăng lúc 23-04-2018

Khuyến công Thái Nguyên - Nhân tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn đổi mới máy móc thiết bị, song tốc độ còn chậm và chưa phát triển rõ rệt theo định hướng. Để khắc phục tình trạng đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công) đã tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ DN thông qua các đề án đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp, mua mới dây chuyền sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Khuyến công Thái Nguyên - Nhân tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Hiện nay, Công ty CP Đúc Thái Nguyên cho ra lò trên 300 tấn sản phẩm đúc kim loại/tháng

Trước đây, với tư duy “ăn xổi” nhằm hạn chế nguồn vốn đầu tư ban đầu cho hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị nên nhiều DN, hợp tác xã và cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn tỉnh chỉ sử dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất, tập trung làm ra những sản phẩm cạnh tranh về giá mà chưa chú trọng tới chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến một thực trạng, DN làm ra sản phẩm nhưng không bán được hàng. Trước thực tế đó, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã chủ động xây dựng các đề án đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho nhiều DN, cơ sở công nghiệp nông thôn.

 

Điển hình như Công ty CP Đúc Thái Nguyên là một DN chuyên đúc, gia công cơ khí các sản phẩm gang xám, gang cầu, thép hợp kim. Trước đây, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên Công ty chưa thể đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại mà chủ yếu sử dụng máy móc đã qua sử dụng. Do vậy, chất lượng đầu ra của sản phẩm thấp, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Mặt khác, do công nghệ lạc hậu nên lượng hàng hóa sản xuất ra bị lỗi nhiều, gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty rất lớn. Năm 2017, sau khi nhận được 200 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền Furan (máy chế tạo khuôn tự động). Đây là hệ thống máy móc tiên tiến được nhập khẩu 100% từ Hàn Quốc với nhiều ưu điểm nổi bật. Sau một năm ứng dụng, kết quả cho thấy hệ thống dây chuyền Furan có nhiều tính năng ưu việt. Sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, bề mặt vật đúc đẹp, không bị lỗi rỗ khí. Hiện nay, với quy mô sản xuất đạt 4.000 tấn sản phẩm đúc kim loại/năm đã giúp Công ty đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

 

 

HTX Chè Tuyết Hương đã được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ máy hút chân không, tủ sấy và máy sao chè bằng Gas hiện đại. 

 

Cũng trong năm 2017, hộ kinh doanh Dương Thị Thúy (xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên) đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên. Theo đó, từ số tiền được hỗ trợ là 100 triệu đồng, gia đình đã đầu tư thêm 327 triệu để mua sắm hệ thống máy móc thiết bị trong chế biến và bảo quản sản phẩm chè. Chia sẻ về vấn đề này, chị Thúy cho cho biết: Hệ thống máy xào gas mới có thể điều chỉnh nhiệt độ nhanh, kịp thời và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do hạn chế được khói, bụi và gỉ sét gây ra.Thời gian sử dụng máy lên tới 10 năm. Giá trị sản phẩm tăng từ 25 – 30% so với phương pháp cũ và đem lại lợi nhuận cho gia đìnhhơn 240 triệu đồng/năm. Hệ thống máy móc mới đã không chỉ giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Đặc biệt, từ ngày có giàn máy móc hiện đại, nhiều cơ sở chế biến chè trong và ngoài TP Thái Nguyên đã đến học tập và áp dụng công nghệ này vào sản xuất.

 

Không chỉ riêng Công ty CP Đúc Thái Nguyên và gia đình chị Dương Thị Thúy, còn rất nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất cũng được hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Đơn cử như Công ty CP May thời trang DG Việt Nam (huyện Đồng Hỷ) được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất may mặc; Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất và gia công đồ gỗ cho các Hộ kinh doanh Đồng Văn Hùng (huyện Phú Bình); Hộ kinh doanh Bế Văn Đạt (huyện Đồng Hỷ); Hộ kinh doanh Phạm Thị Mơ (huyện Đại Từ); Hợp tác xã Chế biến và Kinh doanh lâm sản Trà Thịnh (thị xã Phổ Yên); Hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Sỹ (huyện Phú Lương); Hỗ trợ HTX Chè Tuyết Hương (huyện Đồng Hỷ) máy hút chân không, tủ sấy và máy sao chè; Hỗ trợ máy móc thiết bị cho Công ty CP Kim khí vật tư Thái Nguyên (TP Sông Công); Hỗ trợ tư vấn trồng và sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap cho Công ty CP Thác Dài…

 

Thời gian tới, để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để hỗ trợ một phần kinh phí theo chương trình khuyến công trung ương và địa phương. Qua đó, góp phần khuyến khích kịp thời các cơ sở, DN đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, Trung tâm sẽ làm tốt công tác phổ biến các chính sách hỗ trợ theo chương trình khuyến công. Từ đó, giúp cho các cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh trong tỉnh nắm bắt và tiếp cận được nguồn vốn một cách hiệu quả nhất. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm sẽ đôn đốc các cơ sở, DN hoàn thành đầy đủ các nội dung theo đề án và đúng tiến độ đề ra.

 

Có thể khẳng định, thông qua các hoạt động hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, Khuyến công Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả các nội dung, chương trình đề ra. Đặc biệt, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, đổi mới công nghệ cho các đơn vị đã nhận được sự quan tâm từ các DN, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh cùng lĩnh vực đến học hỏi và mạnh dạn đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất.

 Tuấn Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang