Thứ Sáu, 22/11/2024 00:20:27 GMT+7
Lượt xem: 1065

Tin đăng lúc 28-08-2024

Khuyến công Vĩnh Phúc: Tạo cú huých cho chuyển đổi công nghệ sản xuất công nghiệp nông thôn

Những năm gần đây, nguồn vốn khuyến công đã tạo cú huých cho việc chuyển đổi công nghệ sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, mang lại lợi ích kinh tế cao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Khuyến công Vĩnh Phúc: Tạo cú huých cho chuyển đổi công nghệ sản xuất công nghiệp nông thôn
Thiết bị mới được đầu tư của Công ty TNHH HTH Vĩnh Phúc.

 Năm 2023, từ nguồn vốn khuyến công, Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 31 đề án mua máy móc, thiết bị sản xuất với tổng kinh phí gần 4,8 tỷ đồng; hỗ trợ 01 đề án nhóm cho 04 cơ sở, hộ kinh doanh mua máy móc, thiết bị sản xuất với kinh phí 556 triệu đồng; hỗ trợ 06 đơn vị thuê tư vấn lĩnh vực marketing, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; hỗ trợ đầu tư một phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm Hương Canh; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu cho 125 học viên tại các làng nghề. 

 

Với nguồn kinh phí gần 7 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, năm 2024, ngành Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại; đổi mới năng lực quản lý, sản xuất... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Vừa qua, Trung tâm Phát triển Công Thương (Sở Công Thương) đã tổ chức nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí” cho Công ty TNHH HTH Vĩnh Phúc (tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên). Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 1 tỷ đồng, trong đó, 270 triệu đồng được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của chương trình khuyến công, còn lại là phần đối ứng của doanh nghiệp để đầu tư máy cắt LASER FM3015, máy chấn tôn thủy lực. Đây là các loại máy móc tiên tiến và là dây chuyền sản xuất chính trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp.

 

Theo lãnh đạo Công ty TNHH HTH Vĩnh Phúc, từ việc đầu tư máy cắt LASER FM3015 và máy chấn tôn thủy lực đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với hệ thống thiết bị hiện có, doanh nghiệp có điều kiện tiết kiệm nguồn nguyên liệu, nhân công lao động. Hơn nữa, mẫu mã sản phẩm cũng được cải tiến theo hướng đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cũng trong thời gian này, đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cửa nhôm” của các Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Duy (xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô) và Hộ kinh doanh Hà Văn Quảng (xã Tử Du, huyện Lập Thạch) cũng phát huy hiệu quả với các ưu điểm nổi trội. Theo đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 100 triệu đồng/hộ để đầu tư một số thiết bị như máy cắt nhôm 2 đầu, máy phay kim loại, máy đột dập, máy nén khí… với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng/hộ. Thành phẩm mới sau khi ra lò có khả năng chống bám bẩn, dễ lau chùi, cách âm và cách nhiệt tốt. Đồng thời nâng cao tính thẩm mỹ, giúp công trình bền, đẹp hơn.

 

Theo đánh giá của các chủ thể được hỗ trợ và ngành Công Thương, chương trình khuyến công thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, góp phần hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. 

 

Để chương trình khuyến công đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tăng cường trách nhiệm trong chỉ đạo, phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công; tạo sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Riêng ngành Công Thương sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường. 

 

Tiến Hải 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang