Trong những năm qua, từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành địa phương đã giúp cho tỉnh Vĩnh Phúc triển khai có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động khuyến công, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các cơ sở CNNT, các làng nghề phát triển mạnh và hiệu quả, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.
Theo ông Đỗ Văn Định – Phó Gám đốc Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc cho biết: Năm 2023, Trung tâm Phát triển Công Thương đã triển khai một số nội dung về công tác khuyến công, chú trọng hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư mua sắm máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm điện năng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường và phục vụ xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Năm 2023 Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc đã hỗ trợ cho 32 đơn vị với tổng kinh phí là 6,8 tỷ đồng; Phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức nghiệm thu 31 Đề án mua máy móc, thiết bị sản xuất với kinh phí khuyến công là 4,8 tỷ đồng; Hỗ trợ 01 Đề án nhóm cho 04 cơ sở, hộ kinh doanh mua máy móc thiết bị vào sản xuất với kinh phí hỗ trợ 556 triệu đồng; Hỗ trợ cho 06 đơn vị thuê tư vấn kỹ thuật maketting, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; Hỗ trợ đầu tư 01 phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm Hương Canh. Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển Công Thương cũng tổ chức các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất sạch hơn. Dù nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều so với tổng mức đầu tư của các cơ sở CNNT nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn vốn mồi, khuyến khích cơ cở sản xuất mạnh dạn đầu tư, đổi mới máy móc, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
Tại hộ gia đình anh Trần Văn Cường – thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyên Vĩnh Tường chuyên sản xuất cơ khí chia sẻ: Năm 2023, gia đình anh được hỗ trợ trên 100 triệu đồng từ chương trình khuyến công của tỉnh, từ nguồn vốn này anh đã đầu tư “Bộ lò nung WZP 100” bằng điện thay thế cho nung thủ công như trước đây. Qua thời gian sử dụng hệ thống lò nung điện, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng nhiều lần so với trước. Từ ngày có lò nung này, so với trước đây làm thủ công đốt than hóa thạch, thì bây giờ làm bằng điện vừa nhanh, tiện và giá thành rẻ hơn rất nhiều, năng suất cao hơn, không bụi bặm, không ảnh hưởng đến sức khỏe như trước nữa.
Có thể nói, việc hỗ trợ cho các cơ sở CNNT từ nguồn vốn khuyến công đã giúp địa phương thuận lợi hơn trong việc định hướng cho cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, cơ cấu kinh tế trong khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.
Để tiếp tục triển khai hoạt động khuyến công, hỗ trợ cơ sở CNNT trên địa bàn phát triển nhanh, năm 2024, tỉnh tiếp tục dành 6,8 tỷ đồng nguồn kinh phí cho khuyến công. Ngành Công Thương Vĩnh Phúc đang tiếp tục tập trung hướng dẫn, nắm bắt tình hình hoạt động thực tế để triển khai các nội dung hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại và đổi mới năng lực quản lý sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh... Cùng với đó, chú trọng phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp, động viên khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tích cực phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu; Tiếp tục nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án khuyến công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; Hỗ trợ các ngành, nghề, các sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm có giá trị gia tăng cao và phục vụ xuất khẩu.
Công Du