Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Điện tử đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tổng cục Thống kê cho hay, xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện giai đoạn này tăng trưởng bình quân 23,8%/năm. Riêng năm 2022, ngành Điện tử đạt kim ngạch xuất khẩu 114,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so năm 2021 và chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành Điện tử Việt Nam hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, ti vi, máy giặt, điện thoại, máy in… Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, mầu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Việc duy trì điểm sáng kinh tế hàng năm của công nghiệp điện tử còn đến từ việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của ngành Công nghiệp điện tử có đà và khởi sắc hơn trong những năm gần đây.
Sự phát triển vượt bậc của ngành Điện tử chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, Nhật Bản ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Nhưng hệ lụy dẫn đến là ngành cũng đang phụ thuộc quá lớn vào khối ngoại khi có đến 95% kim ngạch xuất khẩu đang thuộc về các doanh nghiệp FDI. Năng lực doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu nên thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước hiện đa phần do thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành Điện tử còn thấp. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại. Doanh nghiệp CNHT ngành Điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp. Ngành Điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở công đoạn lắp ráp trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử, còn những sản phẩm có thương hiệu để xuất khẩu gần như không có.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: “Các sản phẩm điện tử thường có tuổi thọ tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi năng lực của doanh nghiệp trong nước hạn chế, không đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm cũng như thương hiệu. Vì vậy, các công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao vẫn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất nước ngoài”.
Cơ hội mới từ làn sóng dịch chuyển mới
Phải nói, ngành Điện tử Việt Nam và CNHT điện tử đang đứng trước cơ hội đón làn sóng dịch chuyển đầu tư và tái cơ cấu chuỗi giá trị trong thời gian tới. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Pegatron, Intel… đều bày tỏ sự quan tâm và có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất các sản phẩm điện tử tại Việt Nam, trong đó có một số sản phẩm hàm lượng công nghệ cao. Tập đoàn Samsung cũng đang đẩy mạnh hơn các hoạt động tìm kiếm, kết nối với doanh nghiệp cung ứng nội địa để tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị của tập đoàn này tại Việt Nam.
Ngành Công nghiệp điện tử cần được đầu tư nhiều hơn nữa
Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết đã tiếp nhận nhiều yêu cầu kết nối với các đối tác Bắc Mỹ, đặc biệt ở Canada. Thông qua Đại sứ quán và Thương vụ đã hỗ trợ kết nối khá thành công với các đối tác Canada trong việc thiết lập một chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Hầu hết các đối tác không chỉ tìm kiếm doanh nghiệp đơn lẻ mà tìm theo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ kho hàng, logistic, bao bì, đóng gói, linh kiện điện tử. Gần đây, hãng Boeing cũng mong muốn thiết lập một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái sản xuất của Boieng Việt Nam. Điều này cho thấy năng lực cung ứng của doanh nghiệp nội địa đã ngày càng tăng lên và nhận được sự tin tưởng của nhiều tập đoàn tên tuổi của thế giới.
Tuy nhiên, những thách thức mà ngành Điện tử đang phải đối mặt đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh số hóa. Ngoài ra, cần tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp có triển vọng trong lĩnh vực điện tử phát triển, từ đó đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, nhất là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh nhận định, trong thời gian tới, cần xây dựng một chiến lược hỗ trợ dài hơi, giúp biến đổi ngành từ việc lắp ráp đơn giản sang sản xuất, chế tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ðầu tiên, cần thúc đẩy phát triển các sản phẩm như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử quan trọng. Nguồn lực để sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài như vậy đòi hỏi đầu tư lớn, mất thời gian 10 - 20 năm, nhưng đầu tư liên tục là cần thiết để cải thiện năng lực sản xuất, khoa học công nghệ, góp phần tạo ra việc làm có giá trị gia tăng cao cũng như tăng trưởng kinh tế.
Để tạo cơ hội cho ngành Công nghiệp điện tử phát triển, Bộ Công Thương đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, góp phần giúp daonh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phương Lê