Tuy nhiên, có một thực tế đã được chỉ ra rằng, công nghệ trồng nấm ở nước ta hiện nay còn rất đơn giản, chủ yếu là sản xuất nấm thủ công, dùng sức người là chính. Ngành chế tạo máy móc, thiết bị chuyên ngành phụ trợ cho nghề trồng nấm chưa được quan tâm nên mức độ nâng cao áp dụng công nghệ còn rất chậm và chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Cơ sở nấm Thanh Nhàn (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến bột nấm, phôi nấm ăn các loại nấm và nấm dược liệu. Mặc dù đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng nấm Thanh Nhàn vẫn là cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nhỏ lẻ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nguồn vốn hoạt động còn rất hạn chế.
Nhận thấy việc đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nấm của cơ sở nấm Thanh Nhàn là rất cần thiết, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững của đơn vị. Vì vậy, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Long An đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ nấm ăn và nấm dược liệu” nhằm hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn khuyến công địa phương để cở sở nấm Thanh Nhàn mạnh dạn đầu tư ứng dụng trang thiết bị tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm từ nấm. Từ đó, góp phần tăng doanh thu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, đề án có tổng chi phí đầu tư mua sắm máy móc thiết bị là 290 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 145 triệu đồng và phần còn lại là vốn đối ứng từ cơ sở nấm Thanh Nhàn. Ngay sau khi nhận được nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ, cơ sở nấm Thanh Nhàn đã nhanh chóng bắt tay vào đầu tư mới 100% dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ nấm ăn và nấm dược liệu gồm: Máy sàn, máy trộn, máy đóng gói sản phẩm, lò hấp giá thể tiệt trùng,... có xuất xứ từ Việt Nam với công suất từ 400 - 500kg/tháng.
Ngay sau khi hoàn thành đề án, các trang thiết bị tiên tiến được áp dụng đã phát huy tính hiệu quả, giúp hạ giá thành sản xuất xuống chỉ bằng 1/3 so với cách làm nấm truyền thống. Cùng với đó, khi áp dụng quy trình sản xuất bằng máy móc, sản phẩm đầu ra đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm do hạn chế tiếp xúc với người lao động, qua đó đã giúp làm giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm.
Đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Long An, cho biết: Không chỉ riêng cơ sở nấm Thanh Nhàn, nguồn vốn hỗ trợ từ kinh phí khuyến công đóng vai trò như "bà đỡ" cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có thêm điều kiện đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm. Từ đó, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, cũng như tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành, góp phần chuyển dịch cơ cấu công nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tiến Hải